Trang Drive dẫn hình ảnh vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cùng Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho thấy tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth cùng các chiến hạm hộ tống ngày 28/7 di chuyển trên vùng biển quốc tế ở phía nam quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Trước đó, nhóm tác chiến Queen Elizabeth ngày 26/7 đi qua eo biển Singapore và tiến vào Biển Đông, diễn tập cùng ba chiến hạm của hải quân Singapore ở vùng biển quốc tế phía nam khu vực này. Phía Anh chưa xác nhận hay thông báo nhóm tác chiến Queen Elizabeth hiện diện tại Biển Đông.
Ảnh vệ tinh cũng cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đang ở phía nam đảo Hải Nam, cách vị trí tàu sân bay Anh khoảng 580 hải lý (khoảng 1.074 km). Trung Quốc chưa thông báo về hoạt động của chiến hạm Sơn Đông, song trước đó có một số thông tin về các đợt điều động của hải quân Trung Quốc quanh đảo Hải Nam, có thể liên quan đến tàu sân bay này.
Anh từng thông báo về hải trình qua Biển Đông của tàu sân bay Queen Elizabeth trước khi chiến hạm này và nhóm tác chiến cùng tên bắt đầu đợt triển khai đầu tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hồi tháng 4 nói nhóm tác chiến Queen Elizabeth sẽ "giương quốc kỳ của một nước Anh toàn cầu, thể hiện ảnh hưởng và báo hiệu sức mạnh của chúng tôi".
Nhóm tác chiến Queen Elizabeth bao gồm tàu sân bay cùng tên, khu trục hạm HMS Diamond và HMS Defender, hộ vệ hạm HMS Northumberland và HMS Kent, tàu ngầm hạt nhân lớp Astute, hai tàu hậu cần RFA Tideforce và RFA Fort Victoria, khu trục hạm Mỹ USS The Sullivans và hộ vệ hạm Hà Lan HNLMS Evertsen. Trên tàu Queen Elizabeth có 8 tiêm kích F-35B của không quân Anh và 10 chiếc của thủy quân lục chiến Mỹ.
Bình luận về động thái triển khai nhóm tàu sân bay tới Biển Đông, đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nói với VnExpress hôm 24/7 rằng "dù không tiếp giáp Biển Đông, Anh có nhiều lợi ích trực tiếp và gián tiếp liên quan đến khu vực".
"Đầu tiên là giao thông hàng hải, lĩnh vực mà bất cứ quốc gia biển nào cũng có, đặc biệt là cường quốc biển cả như Anh", ông Tâm nói. "Nhiều công ty dầu mỏ và năng lượng tổng hợp của Anh đang hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông với một số quốc gia Đông Nam Á trong khu vực".
"Các công ty Anh còn chiếm nhiều thị phần ở lĩnh vực dịch vụ hàng hải, hàng không, du lịch, chứng khoán và sở hữu các nhà máy sản xuất hàng công nghệ cao. Đó là các lợi ích kinh tế của Anh tại khu vực Đông Nam Á và là mục tiêu chiến lược mà nước này thấy cần bảo vệ", ông Tâm cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)