Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi đầu tuần đăng bài xã luận khẳng định "hải quân Trung Quốc đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao" và "đang theo dõi chặt chẽ hải trình của nhóm tác chiến tàu sân bay" HMS Queen Elizabeth của Anh.
Bài xã luận được Global Times đăng hôm 26/7, cùng ngày nhóm tác chiến Queen Elizabeth diễn tập với ba chiến hạm của hải quân Singapore tại vùng biển quốc tế phía nam Biển Đông.
Tàu sân bay Queen Elizabeth cùng các chiến hạm hộ tống sau đó di chuyển về hướng bắc, tiến sâu vào Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace từng đề cập khả năng nhóm tác chiến Queen Elizabeth tiến hành chiến dịch tự do hàng hải tại khu vực.
Trung Quốc vẽ ra cái gọi là đường 9 đoạn và nêu yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông, đồng thời bồi đắp và quân sự hóa trái phép đảo nhân tạo trên các thực thể mà nước này chiếm đóng. Các chiến hạm hải quân Anh và Mỹ gần đây tiến hành nhiều chiến dịch tự do hàng hải thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Veerle Nouwens, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) ở London, nhận định Trung Quốc không muốn đối đầu với Anh, một đồng minh lớn của Mỹ, tại Biển Đông, song nước này "chắc chắn sẽ làm rõ ý định của mình".
"Nếu Anh triển khai các chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông, nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng kiến tình huống tương tự tàu đổ bộ HMS Albion gặp phải năm 2018", Nouwens nói.
Khi tàu Albion hoạt động ở Biển Đông năm 2018, một chiến hạm Trung Quốc bám sát ở khoảng cách 200 m, liên tục yêu cầu tàu hải quân Anh rời đi. Trong khi đó, máy bay Trung Quốc lượn thấp trên đầu chiến hạm Anh.
Global Times cho rằng khi tàu Queen Elizabeth tiến sâu vào Biển Đông, hải quân Trung Quốc sẽ coi đây là cơ hội để "thực hành và nghiên cứu sâu về chiến hạm mới nhất" của Anh.
Tờ báo còn dẫn lời phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại London rằng "mối đe dọa đối với tự do hàng hải chỉ có thể đến từ nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông từ nơi cách nửa vòng Trái đất và việc điều động lực lượng hải quân khiến căng thẳng quân sự trong khu vực leo thang".
Sidharth Kaushal, chuyên gia hải quân tại RUSI, nhận định dù Trung Quốc đưa ra cảnh báo có vẻ cứng rắn về sự hiện diện của nhóm tác chiến Queen Elizabeth ở Biển Đông, "các hành động của Bắc Kinh sẽ được điều chỉnh xuống dưới ngưỡng có thể khơi mào xung đột".
Đợt triển khai tàu sân bay Queen Elizabeth và các chiến hạm hộ tống tới châu Á - Thái Bình Dương được coi là nỗ lực của Anh nhằm đóng vai trò nổi bật hơn trong an ninh toàn cầu, theo một đánh giá gần đây của chính phủ nước này. Ngoài Anh, các quốc gia châu Âu khác như Pháp đang chú ý tới Biển Đông khi sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc ngày càng tăng, thậm chí "dường như không thể ngăn cản".
Trung Quốc gần đây nâng cấp kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình, bao gồm việc xây hơn 100 giếng phóng ở sa mạc tại Tân Cương. Trung Quốc cũng đang phát triển các phương tiện lướt siêu vượt âm, loại vũ khí có thể bay nhanh gấp 8 lần vận tốc âm thanh và được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay".
Nguyễn Tiến (Theo BBC)