"Chúng tôi đang đi qua eo biển Luzon và tiến vào Biển Philippines. Một mốc hải trình mang tính biểu tượng nữa được hoàn thành", tài khoản Twitter của tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đăng ngày 2/8.
Bài đăng liệt kê các cửa ngõ và tuyến trung chuyển mà nhóm tác chiến đi qua từ khi khởi hành, gồm eo biển Gibraltar, eo biển Messina, kênh đào Suez, eo biển Bab al-Mandeb, eo biển Malacca và eo biển Luzon, nối giữa Biển Đông và Biển Philippines.
Nhóm tác chiến Queen Elizabeth tiến vào Biển Đông ngày 26/7 và diễn tập cùng ba chiến hạm của hải quân Singapore ở vùng biển quốc tế phía nam khu vực này. Một ngày sau, ảnh vệ tinh cho thấy tàu sân bay này cùng các chiến hạm hộ tống di chuyển trên vùng biển quốc tế ở phía nam quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Phía Anh chưa công bố chi tiết về hoạt động của nhóm tác chiến Queen Elizabeth tại Biển Đông những ngày qua, trước khi nó vượt eo biển Luzon rời khỏi khu vực. Trung Quốc cũng chưa lên tiếng bình luận về các hoạt động mới nhất của tàu sân bay Anh.
Anh từng thông báo về hải trình qua Biển Đông của tàu sân bay Queen Elizabeth trước khi chiến hạm này và nhóm tác chiến cùng tên bắt đầu đợt triển khai đầu tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hồi tháng 4 nói nhóm tác chiến Queen Elizabeth sẽ "giương quốc kỳ của một nước Anh toàn cầu, thể hiện ảnh hưởng và báo hiệu sức mạnh của chúng tôi".
Nhóm tác chiến Queen Elizabeth bao gồm tàu sân bay cùng tên, khu trục hạm HMS Diamond và HMS Defender, hộ vệ hạm HMS Northumberland và HMS Kent, tàu ngầm hạt nhân lớp Astute, hai tàu hậu cần RFA Tideforce và RFA Fort Victoria, khu trục hạm Mỹ USS The Sullivans và hộ vệ hạm Hà Lan HNLMS Evertsen. Trên tàu Queen Elizabeth có 8 tiêm kích F-35B của không quân Anh và 10 chiếc của thủy quân lục chiến Mỹ.
Nguyễn Tiến