100 g tôm chứa 17-20 g protein và nhiều vitamin, khoáng chất khác như selen, vitamin B12, canxi. Chúng hỗ trợ cơ thể tái tạo năng lượng, tăng cường hệ miễn dịch và tốt cho xương khớp, tim mạch. Với nam giới, tôm còn mang đến lợi ích liên quan đến sức khỏe tình dục.
Chứa nhiều kẽm có lợi cho "tinh binh"
100 g tôm có khoảng 1,64 mg kẽm. Kẽm cần thiết cho quá trình sản xuất tinh trùng. Lượng tinh dịch giảm và mức testosterone thấp hơn thường do thiếu kẽm. Nam giới cần bổ sung khoảng 11 mg kẽm mỗi ngày.
Theo Trường Đại học Wayne State (Mỹ), kẽm có thể hỗ trợ sức khỏe sinh sản ở nam giới. Nghiên cứu năm 1996, thực hiện trên 40 nam giới trong độ tuổi 20-80 được chia thành hai nhóm. Sau 20 tuần, nhóm người trẻ tuổi ăn ít kẽm, nồng độ testosterone giảm gần 75%. Nhóm người cao tuổi tiêu thụ lượng kẽm tăng lên và nồng độ testosterone tăng gần gấp đôi.
Cung cấp vitamin D tăng cường testosterone
Lợi ích của vitamin D với phái mạnh có thể bao gồm kiểm soát mức testosterone, hỗ trợ sản xuất tinh trùng và xây dựng cơ bắp khỏe mạnh. Theo Trường Đại học Y Weill Cornell (Mỹ) và Đại học Qatar (Qatar), chức năng cương dương phụ thuộc trực tiếp vào việc hấp thụ đủ vitamin D. Nghiên cứu công bố năm 2021 với dữ liệu phân tích từ 14 thử nghiệm khác.
Tắm nắng là biện pháp bổ sung vitamin D hiệu quả, nhất là trong khoảng 6-9h. Nam giới có thể tiêu thụ thêm thực phẩm với liều lượng khuyến cáo 15 mcg vitamin D mỗi ngày. Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ, 85 g tôm chứa khoảng 129 IU vitamin D.
L-arginine cải thiện rối loạn cương dương
Rối loạn cương dương có thể xảy ra khi lượng máu lưu thông trong dương vật bị hạn chế, ảnh hưởng đến đời sống chăn gối. Tôm chứa L-arginine - một loại axit amin có tác dụng cải thiện tình trạng này. L-arginine tạo ra oxit nitric giúp giãn và giảm căng thẳng mạch máu, tăng khả năng lưu thông máu và hỗ trợ cương cứng.
Bổ sung 2,5-5 g L-arginine hàng ngày có thể cải thiện chức năng tình dục ở người bị rối loạn cương dương.
Cải thiện chất lượng tinh trùng
Theo Trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), iốt rất cần thiết để sản xuất hormone tuyến giáp. Thiếu hoặc thừa iốt đều có thể dẫn đến rối loạn tuyến giáp, giảm các thông số chất lượng tinh trùng. Nghiên cứu có hơn 1.000 cặp vợ chồng tham gia khảo sát vào năm 2020. Thiếu iốt còn gây ra bệnh suy giáp, là nguyên nhân gây rối loạn chức năng tình dục và cả rối loạn cương.
Tôm và các loại hải sản khác giàu iốt vì chúng hấp thụ một phần iốt có sẵn trong nước biển. 85 g tôm chứa khoảng 35 mcg iốt.
Tuy mang đến nhiều lợi ích nhưng tôm có nguy cơ gây dị ứng. Người có cơ địa dị ứng hải sản và động vật có vỏ không nên ăn tôm để tránh ho, ngứa, đau họng, khàn giọng. Người theo chế độ ăn ít muối cần lưu ý khi ăn vì lượng natri cao.
Nên hấp, luộc hoặc áp chảo tôm để giữ được tối đa chất dinh dưỡng. Tránh chiên xào vì khó kiểm soát lượng calo và hàm lượng chất béo trong món ăn.
Huyền My (Theo The Healthy, BBC Goodfood)
Độc giả có thắc mắc về sinh lý nam, gửi câu hỏi tại đây. |