Tỏi thường dùng hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp, giảm cholesterol trong máu, chữa cảm lạnh, viêm xương khớp và nhiều tình trạng khác. Tuy nhiên, thực phẩm này cũng tốt cho nam giới. Dưới đây là những lợi ích khi ăn tỏi.
Tăng lưu lượng máu
Tỏi chứa allicin và oxit nitric giúp tăng lưu lượng máu đến mô, giảm tình trạng hạ huyết áp bằng cách thư giãn mạch máu. Không có đủ lưu lượng máu đến dương vật khiến nam giới yếu sinh lý. Ăn nhiều tỏi hỗ trợ cải thiện rối loạn cương dương.
Cải thiện khả năng sinh sản
Nghiên cứu năm 2018 của Đại học Razi và Đại học Al Azhar (Iran) từ 18 cuộc thử nghiệm trước đó cho thấy tỏi có thể tăng cường sản xuất tinh trùng, hormone testosterone và cải thiện cấu trúc tinh hoàn. Lợi ích này nhờ vào các đặc tính chống oxy hóa có trong tỏi.
Hỗ trợ điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Theo Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, ung thư tuyến tiền liệt là một trong 5 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới Việt. Một công bố năm 2002 nghiên cứu từ Viện Ung thư Quốc gia cho thấy ăn 10 g tỏi mỗi ngày có thể làm giảm 53% nguy cơ ung thư này. Các nhà khoa học lấy dữ liệu từ hơn 200 nam giới mắc loại ung thư này và gần 500 nam giới bình thường.
Giảm nguy cơ mắc bệnh thận
Các yếu tố nguy cơ gây sỏi ở đàn ông như vòng eo, lượng nước uống, sử dụng thuốc lợi tiểu, thừa oxalat và canxi hoặc do cấu tạo niệu đạo. Do đó, tỏi có đặc tính lợi tiểu giúp giữ thận khỏe mạnh và hỗ trợ cơ quan này hoạt động bình thường.
Tỏi sống chứa nhiều allicin. Tuy nhiên, ăn quá nhiều gây hôi miệng, ợ chua, đầy hơi và tiêu chảy, chỉ nên tiêu thụ lượng vừa phải, khoảng 1-2 tép (3-6 g) mỗi ngày.
Một số người ăn tỏi có thể gây đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau cơ, chóng mặt và phản ứng dị ứng như lên cơn hen suyễn hoặc phát ban trên da. Người có tiền sử dị ứng nên thận trọng khi dùng tỏi. Người đang dùng thuốc làm loãng máu cũng cần hạn chế vì thực phẩm này có thể làm tăng tác dụng của thuốc, khiến máu khó đông hơn.
Huyền My (Theo Healthline, WebMD)
Độc giả gửi câu hỏi bệnh tiết niệu - nam học tại đây để bác sĩ giải đáp |