Trả lời:
Nhìn chung các thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn không phải nguyên nhân trực tiếp gây bệnh thận mạn. Nhưng những thực phẩm này có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh do nhiều yếu tố như hàm lượng muối cao, chất béo chuyển hóa, ít dinh dưỡng, chứa chất bảo quản và các phụ gia.
Lượng muối trung bình trong mỗi gói sản phẩm ăn liền là khoảng 5 g, tương đương nhu cầu muối một ngày của người trưởng thành theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, mỗi ngày một người cần nạp thêm các loại thực phẩm khác, dẫn đến thừa muối trong cơ thể.
Thường xuyên ăn thực phẩm đóng gói làm lượng muối natri tích tụ theo thời gian, đòi hỏi thận phải hoạt động nhiều hơn để thải ra ngoài, lâu dần vượt khỏi khả năng loại bỏ của thận. Natri tích tụ, kéo theo hiện tượng giữ nước trong máu để pha loãng natri, từ đó làm tăng lượng nước trong tế bào và tế bào cơ trơn của thành mạch đã có nhiều ion natri di chuyển vào khiến mạch bị co lại. Ăn mặn gây tăng huyết áp cũng ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Theo kết quả Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 của Bộ Y tế, 8,7% dân số thường ăn thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày.
Bên cạnh đó, các thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn chứa các chất bảo quản nhiều hơn thực phẩm tươi, về lâu dài có hại cho sức khỏe, trong đó có thận.
Ăn thực phẩm đóng gói thường xuyên về lâu dài không tốt cho sức khỏe nói chung và bệnh thận nói riêng. Để giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn, bạn hạn chế dùng thực phẩm gói đóng gói. Nếu ăn mì gói, bạn nên hạn chế hoặc dùng 1/2 các loại gia vị, muối có sẵn trong sản phẩm, chắt bỏ nước và chỉ ăn sợi mì để giảm mặn.
Người có bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường nên uống đủ nước, giảm ăn mặn. Tránh sử dụng các loại thuốc, nhất là giảm đau và kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ hoặc thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc... cũng hạn chế nguy cơ tổn thương thận. Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh đái tháo đường, huyết áp cao và bệnh lý cầu thận nên tầm soát bệnh định kỳ hàng năm.
Suy thận không thể điều trị khỏi. Nếu có biểu hiện bệnh thận như giảm lượng nước tiểu, nặng ngực không rõ nguyên nhân, uể oải, kém ăn, sụt cân, ngứa, bạn cần đến cơ sở y tế để được đánh giá toàn diện. Phát hiện sớm giúp nâng cao hiệu quả điều trị làm chậm tiến triển của bệnh thận, ngăn biến chứng.
BS.CKII Hồ Tấn Thông
Đơn vị Nội thận - Lọc máu
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |