Gừng là loại thảo dược giúp giảm buồn nôn, hạ sốt, trị cảm lạnh, làm dịu hệ tiêu hóa và có thể mang lại lợi ích sinh lý cho phái mạnh.
Cải thiện lưu lượng máu
Huyết áp thấp khiến áp lực trong mạch máu không đủ mạnh để đưa máu giàu oxy đến khắp nơi trong cơ thể, nhất là não, tim và các cơ quan quan trọng khác.
Nghiên cứu năm 2017 của Đại học Sơn Đông, Trung Quốc, trên hơn 4.600 người, cho thấy người tiêu thụ 2-4 g gừng mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp thấp nhất. Lợi ích này do gingerol, shogaol và zingiberene có trong gừng. Nam giới ăn gừng có thể giãn mạch máu, từ đó tăng hưng phấn tình dục.
Tăng hormone testosterone
Testosterone là hormone có vai trò trong khả năng sinh sản, chức năng tình dục, sức khỏe xương và khối lượng cơ bắp. Ăn gừng là cách tăng hormone này nhờ hàm lượng flavonoid.
Trường Đại học Tikrit, Iraq, thực hiện nghiên cứu năm 2012, cho 75 nam giới 19-40 dùng gừng mỗi ngày. Sau ba tháng, nồng độ testosterone của họ tăng 17,7%.
Gừng còn có tác dụng cải thiện chất lượng tinh dịch bằng cách cải thiện nồng độ, khả năng vận động và khả năng sống sót của tinh trùng. Kết quả này được chứng minh trong nghiên cứu năm 2014 của Trường Đại học Khoa học Y tế Tabriz, Iran, và Đại học Bang San Jose, Mỹ, với dữ liệu từ 80 con chuột đực.
Giảm căng thẳng oxy hóa
Căng thẳng oxy hóa xảy ra khi các chất chống oxy hóa và gốc tự do trong cơ thể mất cân bằng. Điều này có thể làm hỏng các tế bào, dẫn đến viêm và tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản, chức năng tình dục.
Gừng chứa nhiều hợp chất chống viêm có thể giảm căng thẳng oxy hóa. Theo nghiên cứu năm 2015 từ Trường Đại học Drew (Mỹ), gừng kết hợp với các thành phần khác như paullinia cupana, muira puama và L-citrulline có thể điều trị rối loạn cương dương.
Hỗ trợ giảm cân
Với nam giới, tăng cân có thể ảnh hưởng đến sản xuất tinh trùng, giảm khả năng sinh sản. Do đó, phái mạnh nên giữ cân nặng phù hợp và tăng cường thực phẩm hỗ trợ giảm cân, trong đó có trà gừng.
Nghiên cứu năm 2012 của Trường Đại học Columbia (Mỹ) thực hiện trên 10 nam giới ăn 2 g bột gừng khô hòa tan trong nước nóng sau khi ăn sáng. Kết quả cho thấy họ no lâu hơn và tăng khả năng đốt cháy calo.
Nghiên cứu khác vào năm 2019, của Trường Đại học Quốc gia Chonbuk và Đại học Woosuk tại Hàn Quốc, với 80 người béo phì tham gia, cho thấy người tuân thủ chế độ ăn kiêng bổ sung chiết xuất cồn gừng hấp giảm được nhiều mỡ thừa trong cơ thể hơn nhóm dùng giả dược. Chiết xuất cồn gừng hấp là sản phẩm có hàm lượng 6-shogaol cao, có tác dụng mạnh hơn các sản phẩm gừng thông thường.
Gừng có thể an toàn với nhiều người nhưng không phù hợp với người có tiền sử sỏi thận oxalate, thường xuyên ợ chua, trào ngược axit, huyết áp thấp hoặc đang dùng thuốc điều trị huyết áp. Các trường hợp trên này tiêu thụ gừng ở mức độ vừa phải. Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng.
Không nên lạm dụng gừng vì dễ gây các tác dụng phụ như khó chịu ở bụng, ợ nóng, tiêu chảy, kích thích trong miệng và cổ họng.
Huyền My (Theo Healthline, Medical News Today)
Độc giả gửi câu hỏi bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |