Cơ sàn chậu là khối cơ kéo dài từ vị trí xương cụt đến xương mu phía trước, tạo thành một mặt sàn phẳng giữa hai chân, có nhiệm vụ nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu như tử cung, bàng quang và ruột. Cơ sàn chậu còn đảm nhiệm chức năng kiểm soát đường ra của các cơ quan đi ngang qua khối cơ niệu đạo, âm đạo, hậu môn.
Các vấn đề về sàn chậu xảy ra khi các cơ căng, yếu hoặc do cân nặng, táo bón và lão hóa ảnh hưởng. Cách phổ biến nhất để tăng cường cơ bắp ở phần dưới là bài tập kegel. Chế độ ăn uống lành mạnh cũng tốt cho người bị rối loạn chức năng sàn chậu.
Chuối
Chuối chứa magiê giảm tiểu không tự chủ, giúp bàng quang trống rỗng khi đi tiểu. Magiê cũng có tác dụng nhuận tràng, làm mềm phân. Ăn chuối còn có giảm triệu chứng hội chứng ruột kích thích và chứng không dung nạp lactose. Đây là những yếu tố góp phần gây rối loạn cơ sàn chậu.

Ăn chuối hỗ trợ tiêu hóa. Ảnh: Freepik
Axit béo omega-3
Thực phẩm giàu axit béo omega-3 có tác dụng giảm viêm. Cá hồi, cá thu, cá mòi, hàu, cá trích, cá cơm và dầu gan cá tuyết chứa chất béo này. Các món từ thực vật giàu axit béo omega-3 như óc chó, hạt lanh, hạt chia, đậu nành.
Quả bơ
Bơ chứa nhiều chất xơ, cải thiện táo bón, giảm suy yếu sàn chậu hoặc ngăn bàng quang hoạt động quá mức. Bơ còn giàu vitamin C, E, K, B6, kali tốt cho sức khỏe. Kali hỗ trợ loại bỏ lượng natri và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể.
Theo trường Đại học Indiana (Mỹ), chế độ ăn nhiều chất xơ giảm táo bón ở phụ nữ rối loạn sàn chậu, ngăn ngừa các vấn đề liên quan. Nghiên cứu công bố năm 2008 với 41 phụ nữ gặp tình trạng này tham gia.
Vitamin D
Thiếu vitamin D có thể gây rối loạn chức năng sàn chậu, đau vùng chậu, tiểu không tự chủ. Dấu hiệu vitamin D thấp gồm đau xương, đổ mồ hôi đầu quá nhiều. Phụ nữ có thể ăn dầu cá, sữa tươi và trứng, tắm nắng thường xuyên để có nhiều vitamin D.
Nước lọc
Nước giúp loại bỏ độc tố, hỗ trợ tiêu hóa và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Không uống đủ nước, cơ thể dễ bị rối loạn chức năng ruột, táo bón và góp phần khiến sàn chậu suy yếu. Ngoài nước lọc, phụ nữ có thể dùng trà thảo dược không chứa caffeine như bạc hà, sả và gừng để tăng cường sức mạnh cho sàn chậu. Những thức uống này còn cung cấp nước, chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Tránh uống cà phê, trà, đồ uống có ga vì caffein hoạt động như chất lợi tiểu, kích thích bàng quang. Hạn chế ăn rau quả có axit cao như cà chua, nam việt quất, cam quá nhiều vì dễ ảnh hưởng đến lớp niêm mạc bên trong bàng quang.
Huyền My (Theo The Sun, Cosmopolitan)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu - nam học tại đây để bác sĩ giải đáp. |