Anh điều trị ở nhiều bệnh viện nhưng không cải thiện, luôn phải cẩn trọng lựa chọn thực phẩm. TS.BS Nguyễn Phúc Tân, Khoa Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói: "Bệnh nhân bị mẫn cảm gấp nhiều lần so với người bình thường", thêm rằng anh dị ứng với rất nhiều dị nguyên gây ngứa, nổi sẩn hồng ban, khu trú chủ yếu ở vùng mặt, đầu và tai. Tình trạng dị ứng kéo dài dẫn đến viêm da, khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương.
Anh Tuấn ăn thịt heo do lành tính, ít gây dị ứng nhưng chế độ ăn chỉ dựa vào một loại thực phẩm không đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Theo bác sĩ Tân, nếu không chữa trị, tình trạng của anh Tuấn có thể trở nặng, thậm chí dị nguyên tiếp xúc bên ngoài da cũng gây dị ứng trong tương lai.
Bác sĩ Tân xây dựng phác đồ điều trị toàn diện, cá nhân hóa cho anh Tuấn, từ điều trị cơ bản ở cả dạng bôi và dạng uống đến chữa trị chuyên sâu. Tùy tình trạng đáp ứng của bệnh nhân, bác sĩ lựa chọn phương pháp phù hợp.
Sau gần hai tháng dùng thuốc, bệnh giảm 90%, anh Tuấn ăn được những loại thực phẩm trước đây gây dị ứng. Bác sĩ tiếp tục cho thuốc với liều lượng điều chỉnh, bổ sung thuốc cùng nhóm khác cơ chế. Các tuần tiếp theo, anh có triệu chứng tái phát nhẹ nhưng không đáng kể.

Bác sĩ Tân khám cho bệnh nhân bị dị ứng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Gia Hưng
Tình trạng dị ứng kéo dài quá lâu thường làm hệ miễn dịch trở nên nhạy cảm và phản ứng quá mức với nhiều dị nguyên, dẫn đến viêm lan rộng, dai dẳng, theo bác sĩ Tân. Dị ứng kéo dài còn ảnh hưởng nhiều cơ quan, hoạt hóa nhiều cơ chế khác và tạo ra nhiều chất gây viêm, do đó khó điều trị. Do đó, nếu gặp các tình trạng như phát ban, ngứa ngáy, mề đay, đỏ và sưng vùng mắt, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy..., người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị. Đây có thể là các triệu chứng ban đầu của cơ thể khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Mỗi người có biểu hiện khác nhau tùy cơ địa và tình trạng sức khỏe.
Nếu điều trị bằng các loại thuốc dị ứng cơ bản mà bệnh nhân không đáp ứng nhiều, bác sĩ có thể cân nhắc phương pháp khác như liệu pháp sinh học hoặc ức chế miễn dịch để kiểm soát phản ứng dị ứng, giảm mức độ viêm mạn tính. Liệu pháp sinh học là tiêm một kháng thể đơn dòng nhắm vào các phân tử hoặc con đường viêm đặc hiệu. Ức chế miễn dịch là sử dụng thuốc nhằm giảm hoạt động miễn dịch quá mức. Những liệu pháp này giúp kiểm soát dị ứng từ gốc, hiệu quả điều trị cao.
Bác sĩ Tân khuyến cáo bệnh nhân không tự ý sử dụng các loại thuốc chống dị ứng hay dùng đơn thuốc cũ khi chưa được bác sĩ chỉ định. Ở mỗi giai đoạn, bệnh nhân cần khám, xét nghiệm chi tiết để được phác đồ điều trị phù hợp.
Gia Hưng
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |