Xung quanh kết quả tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2020 của học sinh lớp 12 cả nước đạt 98,34%, tăng gần 4% so với năm ngoái, nhiều độc giả VnExpress cho rằng đã đến lúc dừng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp:
Có thể cấp chứng chỉ đã hoàn thành bậc THPT cho các em là xong. Các trường nào tổ chức thi đại học riêng thì tùy ý quyết định. Tôi tin làm vậy sẽ đỡ tốn kém và tiêu cực hơn nhiều. Vì thi mà dễ quá hoặc phát sinh tiêu cực thì không sàng lọc được học sinh.
1. Nhiều học sinh nộp hồ sơ du học từ sau học kỳ I lớp 12, và chỉ cần bản sao học bạ là đủ.
2. Trong khi đó, kết quả tốt nghiệp THPT tính cả điểm trung bình lớp 12. Vậy chỉ có 50% kết quả cũng không phải thực chất. Và 50% kết quả kỳ thi có thực sự "thực chất" không? Tốn kém quá nhiều tiền của công sức chỉ để đổi lấy việc tìm ra 4% thí sinh không đạt; để có được tấm bằng chỉ có thể làm công việc phổ thông, vậy có cần thiết không?
1. Nhiều người đang lẫn lộn giữa bằng tốt nghiệp và thi tốt nghiệp. Bỏ thi nhưng vẫn có thể có bằng tốt nghiệp bằng một số cách, ví dụ như xét điểm trong quá trình học. Tuy nhiên, với tỷ lệ đỗ rất cao, có lẽ cũng chẳng cần xét. Nên phổ cập giáo dục phổ thông, học hết lớp 12 là cho học sinh tốt nghiệp.
2. Nếu không cần phải thi, ai học hết cấp ba cũng đều được tốt nghiệp. Lúc đó, điểm số không còn nhiều ý nghĩa nên không còn chuyện học vì điểm nữa.
3. Với việc thi và 99% đỗ như hiện tại, các bạn có nghĩ học sinh cấp ba đang học vì kiến thức được không? Tôi e rằng không logic nào cho phép kết luận như vậy.
Nên bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp, chỉ tổ chức một kỳ thi vào đại học cho em nào cảm thấy có nhu cầu và năng lực, những em khác có thể chọn hướng đi khác. Chứ thi mà năm nào cũng trên 96% đậu thì thi làm gì, sao không phổ cập THPT? Nói thật, bây giờ cao đẳng, đại học cũng phổ cập được rồi. Thời bọn tôi, vào đại học là một câu chuyện khác hẳn bây giờ, nay thi ba môn được tổng 9-10 điểm vẫn học Cao đẳng sư phạm được, vậy chất lượng thế nào?
Một số bạn có quan điểm phải thi tốt nghiệp hãy xem các nước khác. Một số nước phát triển người ta không thi tốt nghiệp nhưng học của họ vẫn học đại học và làm việc được. Thậm chí, trình độ lao động của họ còn cao hơn ta nữa. Cứ khư khư phải thi tốt nghiệp trong khi xét điểm học bạ là được. Tại chúng ta không chịu đổi mới chứ không có gì là không làm được.
>> 'Nên giảm độ khó đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT'
Trong khi đó, số khác lại có quan điểm trái ngược khi khẳng định cần giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT để giảm tiêu cực và tạo động lực cho học sinh:
1. Bằng tốt nghiệp không chỉ dùng để học đại học ở trong nước. Tôi đi du học, người ta cũng yêu cầu phải nộp bằng tốt nghiệp cấp ba.
2. Nếu dùng điểm ba năm học làm điểm tốt nghiệp, học sinh sẽ chỉ đi học vì điểm số, và như vậy liệu điểm số có thật sự phản ánh kết quả học tập không?
Cả nước hơn 450 trường lớn - bé, công - tư, vậy xin hỏi ví như trường đó có 10-20 khoa khác nhau, ít nhất cũng vài môn khác nhau, việc tổ chức ra đề, tổ chức thi, chấm thi... làm sao để không tốn tiền tỷ? Chỉ nói riêng việc phòng thi thôi, trường đại học nào ở Việt Nam đủ chỗ thi, đủ cán bộ gác thi... cho thi 5.000-20.000 thí sinh? Lực lượng an ninh nào rảnh để phục vụ nay gác trường này, mai gác trường kia? Thí sinh và gia đình nào có điều kiện kinh tế đủ thuê trọ để thi trường này, trường nọ nếu ở xa?
Cả nước chung một đề, nhiều người lại chê không công bằng? Vậy mỗi trường một đề (hơn 450 trường công - tư lẫn lộn) làm thế nào để công bằng khi mỗi trường vài chục khoa, mỗi khoa khối thi một ngày, một đề khác nhau? Các bạn thử tính xem cần bao nhiêu đề? Bao nhiêu người ra đề? Bao nhiêu ngày chấm thi? Thí sinh phải ra tận trường đó để thi hay ở nhà vẫn thi được?
Thật là nực cười khi bỏ thi tốt nghiệp, để các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức thi riêng. Chúng ta từng kêu gào khi Bộ tổ chức ba kỳ thi những năm 2000-2015, và đòi thi một lần cho tiện. Nay lại tiếp tục kêu gào đòi cho mỗi trường tự thi như thập niên 1990, có quá nực cười không?
Cứ cho là kỳ thi học sinh ôn tập và thi đạt kết quả 96% đỗ tốt nghiệp. Nhưng nếu không thi, học sinh chẳng phải ôn tập nhiều và có khi trong đầu mỗi em chỉ đạt kiến thức của 4% thi trượt kia, khi đó mới đáng ngụy hại. Luôn có hai luồng ý kiến trái ngược nhau (kiểu như tôi cho rằng số này là 6; còn người đối diện lại cho rằng đó là số 9). Không thể kết quả thấp cũng kêu, mà kết quả cao cũng kêu. Nên nhìn nhận vấn đề thật khách quan, không có tính ưu việt tuyệt đối cho phương án nào.
Nếu không có kỳ thì có tạo động lực học sinh học không? Rồi lúc đấy xét tuyển ở các nơi sẽ dựa vào đâu? Lúc đó, lại phải đánh giá riêng, mà cái riêng không có chuẩn thống nhất thì một cá nhân có khi phải đánh giá nhiều lần. Không bỏ tiền chỗ này thì cũng phải bỏ tiền vào chỗ khác, như vậy sao coi là không lãng phí được?
Nhiều người nói không nên thi tốt nghiệp THPT là không ổn. Con số 96% đỗ tốt nghiệp đúng là cao, nhưng một kỳ thi sẽ giúp học sinh cố gắng học tập hơn để hướng tới nó. Đất nước cần nhân tài là những người chăm chỉ, có kiến thức, có cố gắng để trau dồi kiến thức, chứ không cần những người lao động phổ thông chân tay. Có những người luôn so sánh tôi làm việc vất vả, đổ mồ hôi, mà không bằng những người làm văn phòng có điều hòa mát mẻ, lại còn hay kêu ca. Nhưng họ đâu biết được mỗi giờ làm của dân văn phòng tạo giá trị bao nhiêu nếu so sánh với công việc chân tay? Nếu cứ xét tuyển thì lên đại học cũng chẳng khác gì cấp ba. Khi ra ngoài xã hội, thứ cần thiết nhất là tinh thần cầu tiến, muốn học hỏi, dù bạn cầm xẻng hay cầm bút. Nếu không cố gắng học hỏi, bạn vẫn sẽ luôn ở một chỗ. Một kỳ thi để tất cả các em học sinh cố gắng, tạo ra nhận thức cho thế hệ trẻ tương lai (muốn thi, muốn học cao nữa thì phải cố gắng đạt điểm cao), rõ ràng không hề lãng phí.
>> Theo bạn, có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT? Chia sẻ bài viết tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.