TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết mụn trứng cá ở tuổi dậy thì có xu hướng giảm dần khi trưởng thành hoặc nhờ vào việc duy trì thói quen chăm sóc da thường xuyên. Hiện có nhiều cách để trị mụn trứng cá tuổi dậy thì, hạn chế mụn trứng cá xuất hiện nhiều, ngăn sẹo, giúp làn da sáng mịn hơn như:
Benzoyl peroxide và axit salicylic
Benzoyl peroxide và axit salicylic là hai phương pháp điều trị mụn trứng cá không kê đơn phổ biến. Trong sữa tắm, sữa rửa mặt, chất làm se da, kem dưỡng ẩm thường có chứa axit salicylic giúp loại bỏ các tế bào da chết có thể gây mụn trứng cá (mụn đầu trắng, mụn đầu đen).
Benzoyl peroxide là phương pháp điều trị mạnh hơn đối với các loại mụn nặng hơn, viêm đỏ giúp làm khô các tế bào da chết, kiểm soát bã nhờn dư thừa, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn. Sản phẩm có chứa 2- 5% benzoyl peroxide có thể cải thiện tình trạng mụn nang, nốt sần, mụn mủ. Nếu mụn viêm thường xuyên và lan rộng, người bệnh nên sử dụng sữa rửa mặt hoặc kem dưỡng da có chứa 10% benzoyl peroxide để kiểm soát mụn.
Benzoyl peroxide là hoạt chất mạnh có thể khiến da nổi mẩn đỏ, kích ứng nên thoa một lần khi bắt đầu sử dụng, sau đó tăng lên 2 lần/ngày. Hãy cẩn thận khi sử dụng benzoyl peroxide vì có thể làm ố màu quần áo, tóc nhuộm. Tuy nhiên, người bị mụn trứng cá viêm nặng cần liên hệ bác sĩ da liễu để có phương pháp điều trị thích hợp, hiệu quả, an toàn.
Retinoid
Nếu benzoyl peroxide không hiệu quả, bác sĩ da liễu sẽ kê toa retinoid trị mụn dạng gel hoặc kem, có thể bôi 2 lần/ngày. Mụn viêm phổ biến trong độ tuổi dậy thì cũng có thể được điều trị bằng retinoids. Retinoids là dẫn xuất vitamin A giúp ngăn u nang, nốt sần, kiểm soát dầu trên da. Vitamin A sẽ làm tăng độ nhạy cảm của da với tia UV nên khi sử dụng retinoids, người bệnh cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Isotretinoin là retinoid có dạng viên uống hàng ngày, mạnh hơn nhiều so với retinoid bôi ngoài da nên cần sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ trong quá trình sử dụng. Tác dụng phụ của Isotretinoin có thể xảy ra bao gồm trầm cảm, rối loạn chức năng gan, rối loạn chức năng thận... Isotretinoin có một số độc tính cho thai nhi nên không thích hợp với phụ nữ mang thai.
Thuốc kháng sinh bôi và uống
Trị mụn trứng cá tuổi dậy thì còn được áp dụng phương pháp dùng thuốc kháng sinh để giúp loại bỏ mụn viêm do vi khuẩn P. acnes gây ra. Kháng sinh bôi ngoài da có dạng kem hoặc gel hoặc thuốc kháng sinh đường uống, nên dùng trong một số ngày nhất định. Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh đường uống vì dễ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Người bệnh nên gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn xem tình trạng mụn có cần điều trị bằng kháng sinh hay không.
Các sản phẩm không gây dị ứng
Cần xem kỹ thành phần trước khi sử dụng, không sử dụng những sản phẩm có chứa chất kích thích gây dị ứng như: rượu, nước hoa... Dòng chữ "Noncomedogenic" nghĩa là không chứa dầu, không gây mụn hoặc không làm tắc nghẽn lỗ chân lông thường được in trên nhãn của các sản phẩm chăm sóc da. Các sản phẩm được sử dụng trên các khu vực dễ bị mụn trứng cá phải không chứa dầu, không gây mụn để bảo vệ da.
Rửa sạch da hai lần một ngày
Rửa sạch da rất quan trọng trong việc chăm sóc, cải thiện tình trạng mụn. Cần rửa mặt nhẹ nhàng bằng khăn sạch, tránh chà xát vì sẽ gây kích ứng da, nổi mụn nhiều hơn. Nên dùng nước ấm để làm sạch da, không dùng nước quá nóng sẽ làm khô da, không dùng nước quá lạnh vì không đủ để làm sạch da đúng cách.
Mỗi ngày nên rửa mặt 2 lần và cần rửa mặt sau khi tập thể dục nếu đổ mồ hôi. Tuy nhiên, không nên rửa mặt quá nhiều vì có thể làm khô da, nổi mụn nhiều hơn.
Tẩy tế bào chết hàng tuần
Tẩy da chết mỗi tuần một lần cũng có thể giúp chữa mụn trứng cá tuổi dậy thì hiệu quả. Các liệu pháp tẩy tế bào chết chứa hoạt chất nhẹ như axit salicylic hoặc axit alpha-hydroxy. Cũng có thể dùng mặt nạ bùn để giúp thông thoáng lỗ chân lông, loại bỏ các tế bào da chết.
Thoa kem chống nắng hàng ngày
Kem chống nắng giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, ngăn mụn trứng cá do cháy nắng gây ra. Đặc biệt, nếu người bệnh đang sử dụng retinoids để điều trị mụn trứng cá thì da dễ bị bỏng hơn, cần thoa kem chống nắng để bảo vệ da.
Nên dùng những sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên để có khả năng bảo vệ hiệu quả hơn, sản phẩm có nhãn "không gây mụn" hoặc "không chứa dầu". Người bệnh có thể dùng kem dưỡng ẩm hoặc kem nền 2 trong 1 có chứa sẵn kem chống nắng để tiết kiệm thời gian.
Thay đổi chế độ ăn uống
Một số loại thực phẩm có thể góp phần gây ra mụn trứng cá như: sữa, thực phẩm quá ngọt, các đồ ăn chế biến sẵn. Do đó, việc ăn uống đúng cách, lựa chọn thực phẩm phù hợp sẽ giúp ngăn mụn trứng cá xuất hiện. Uống nhiều nước mỗi ngày cũng giúp giữ nước cho da, tránh tích tụ tế bào da chết, góp phần duy trì làn da sạch mụn.
Không nặn mụn
TS. BS Đặng Thị Ngọc Bích khuyến cáo người bệnh không được tự ý nặn mụn vì dễ gây viêm nhiễm, thậm chí gây ra sẹo vĩnh viễn. Nặn mụn có thể khiến vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào da hoặc nốt mụn vỡ ra lây lan các vùng da lân cận dẫn đến nổi mụn nhiều hơn.
Có nhiều cách trị mụn trứng cá ở tuổi dậy thì, tuy nhiên khi xuất hiện mụn trứng cá, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên Khoa da liễu - Thẩm mỹ Da khám để có phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng mụn, mang lại hiệu quả nhanh trong việc điều trị, tránh nhiễm trùng hoặc sẹo thâm do mụn trứng cá.
Mai Hoa