Đau vùng chậu có thể xuất hiện trong quá trình giao hợp, kéo dài đến 24 giờ sau đó, thường gặp ở nhiều phụ nữ nhưng ít được chú ý.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Phúc Liên, trưởng Đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, dưới đây là những nguyên nhân thường gặp.
Bệnh cơ xương khớp: Đau vùng chậu xảy ra do cơ sàn chậu bị tăng trương lực (co cứng cơ nâng) quá mức và không thể thư giãn. Hội chứng này có thể gây đau kéo dài, đau cách hồi (từng cơn)... Một số phụ nữ có bệnh lý co thắt trực tràng và đau do mất khả năng giãn cơ cho hoạt động của ruột và khi quan hệ.
Hội chứng niệu dục tuổi mãn kinh: Những thay đổi trong mô âm đạo do thiếu hormone estrogen dẫn tới kích thích mô, khô và mỏng âm đạo làm giao hợp khó. Thiếu chất bôi trơn gây cảm giác khô nóng, dễ trầy xước, xuất huyết. Bác sĩ Liên cho biết khoảng 50% phụ nữ đau khi quan hệ sau mãn kinh là do những thay đổi này. Phụ nữ cho con bú kéo dài cũng có thể có những thay đổi tương tự.
Hội chứng đau bàng quang, niệu đạo: Có thể dẫn đến đau bàng quang - âm đạo mạn tính, đau khi giao hợp, tiểu gấp, tiểu nhiều lần và tiểu rắt, buốt. Các triệu chứng này có thể khởi phát đột ngột hoặc sau một đợt nhiễm khuẩn tiết niệu. Một số bệnh lý niệu đạo như viêm niệu đạo, túi thừa niệu đạo cũng khiến âm đạo đau.
Đau âm hộ hoặc âm đạo: Nguyên nhân có thể do sẹo vùng âm hộ, chấn thương sau phẫu thuật, sau sinh hoặc các bệnh ở da khiến kích ứng như bệnh lichen phẳng. Xạ trị vùng chậu có thể làm tổn thương thần kinh và mô.
Nguyên nhân tại chỗ ở âm đạo: Sẹo và đau do cắt hay rách tầng sinh môn khi sinh là nguyên nhân thường gặp khiến phụ nữ gặp khó khăn trong chuyện chăn gối. Nang, polyp, dị vật âm đạo hoặc sa các tạng vùng chậu trong âm đạo hoặc phẫu thuật âm đạo cũng là nguyên nhân. Một số trường hợp hiếm gặp có thể có bất thường giải phẫu khi sinh như vách ngăn âm đạo khiến khó quan hệ.
Viêm vùng chậu: Thường do các bệnh lây qua đường tình dục gây ra. Hội chứng ruột kích thích có thể khởi phát cơn đau này.
Những bệnh vùng chậu khác: Các bệnh như lạc nội mạc tử cung hay nhân xơ tử cung gây đau vùng chậu trong kỳ kinh với cường độ mạnh hơn thông thường. Các phẫu thuật trước đó gây sẹo, tổn thương mô hay thần kinh cũng có thể là lý do.
Theo bác sĩ Liên, đau vùng chậu khi quan hệ có thể trở thành mạn tính, gây khó chịu nhiều, ảnh hưởng đến tâm lý, hạnh phúc của nữ giới. Phụ nữ thường xuyên đau, trong vòng 24 giờ, nên đến cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa niệu nữ hoặc sản phụ khoa để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, điều trị phù hợp.
Anh Thư