Rối loạn nhịp tim và cảm giác choáng
Ngay sau khi về đích, một số người chạy cảm thấy tim đập nhanh, không đều, kèm theo chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu. Đây có thể là dấu hiệu của mất nước, tụt huyết áp hoặc rối loạn điện giải. Tình trạng khá phổ biến ở những người chạy cường độ cao hoặc chưa bổ sung đủ nước trên đường.
Trong trường hợp này, nên nhanh chóng tìm nơi mát, ngồi nghỉ, kê cao chân và bổ sung nước hoặc dung dịch điện giải. Nếu nhịp tim không ổn định trở lại sau 15-20 phút, cần tìm đến sự hỗ trợ y tế.

VĐV không nên bỏ qua các dấu hiệu bất thường sau race. Ảnh: Runner's World
Buồn nôn kéo dài bất thường
Nhiều runner cảm thấy buồn nôn sau khi về đích, nhất là khi bổ sung dinh dưỡng không hợp lý trước hoặc trong race. Tuy nhiên, nếu tình trạng nôn ói kéo dài hàng giờ, không ăn uống được hoặc kèm theo mệt lả, có thể hệ tiêu hóa bị rối loạn nghiêm trọng do mất nước hoặc rối loạn thần kinh thực vật.
Nên bắt đầu bổ sung nước từ từ, uống từng ngụm nhỏ, ăn nhẹ với thực phẩm dễ tiêu. Nếu cảm giác buồn nôn không thuyên giảm sau vài giờ, cần kiểm tra y tế để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm hơn.
Đau nhức cơ dữ dội và dấu hiệu viêm
Hiện tượng đau nhức cơ sau chạy (DOMS) là bình thường, thường xuất hiện sau 24-48 giờ. Tuy nhiên, nếu cơ thể xuất hiện các vùng đau dữ dội, kèm theo sưng, đỏ, nóng hoặc phù nề bất thường, nhất là ở bắp chân hoặc đùi, đó có thể là dấu hiệu của chấn thương cơ hoặc phản ứng viêm.
Xử lý ban đầu gồm nghỉ ngơi, chườm lạnh và kê cao chân. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau vài ngày hoặc đi kèm sốt, cần đi khám chuyên khoa để loại trừ tổn thương nghiêm trọng như rách cơ, viêm cân.

Giãn cơ giúp giảm nguy cơ chấn thương và phục hồi nhanh hơn. Ảnh: Runner's World
Nước tiểu sẫm màu - cảnh báo nguy cơ tiêu cơ vân
Một trong những dấu hiệu nguy hiểm nhất sau marathon là nước tiểu chuyển sang màu nâu sẫm, kèm theo đau cơ và giảm lượng tiểu tiện. Đây là biểu hiện điển hình của tiêu cơ vân - tình trạng cơ bị phân hủy giải phóng myoglobin vào máu, gây nguy cơ tắc ống thận và suy thận cấp.
Theo bác sĩ Mark Cucuzzella, Trường Y Đại học West Virginia (Mỹ), người chạy cần lập tức uống nhiều nước và theo dõi màu nước tiểu. Nếu không trở lại màu vàng nhạt, trong sau vài giờ, nên đến bệnh viện kiểm tra chức năng thận càng sớm càng tốt.
Sốc nhiệt trong thời tiết nóng và dấu hiệu dễ bị bỏ qua
Sốc nhiệt là nguy cơ thường gặp khi runner cố duy trì tốc độ cao quá khả năng chịu đựng của cơ thể. Dấu hiệu ban đầu thường bị bỏ qua gồm cảm giác lạnh dù trời nắng, nổi da gà, chóng mặt, lú lẫn nhẹ hoặc buồn nôn. Trường hợp nặng hơn có thể thở nhanh, đau đầu, co giật hoặc ngất.
Cách xử lý là hạ thân nhiệt bằng cách ngâm người vào bồn nước lạnh hoặc chườm lạnh toàn thân tại các trạm y tế. Nếu có biểu hiện rối loạn ý thức, cần xử lý khẩn cấp để tránh đột quỵ do nhiệt.
Hạ thân nhiệt khi chạy trong thời tiết lạnh, mưa
Các giải chạy vùng cao hoặc mùa mưa, nhiệt độ thấp dễ khiến cơ thể bị hạ thân nhiệt, nhất là khi runner không thay đồ khô sau khi về đích.
Triệu chứng bao gồm run rẩy dữ dội, nói lắp, khó phối hợp vận động, mạch yếu. VĐV nên chuẩn bị sẵn áo khoác hoặc quần áo khô ở điểm về đích. Sau khi hoàn thành race, tiếp tục đi bộ nhẹ để giữ ấm cơ thể, hạn chế tình trạng nhiệt độ giảm đột ngột.
Cảm giác trống rỗng sau khi hoàn thành mục tiêu
Bên cạnh những vấn đề thể chất, tinh thần runner cũng có thể bị ảnh hưởng sau cuộc đua. Không ít vận động viên, đặc biệt là những người lần đầu hoàn thành full marathon rơi vào trạng thái hụt hẫng, mất phương hướng hoặc thậm chí buồn chán sau khi đạt được mục tiêu đã theo đuổi hàng tháng.

Runner cần lên kế hoạch giải trí sau race để tránh tình trạng rơi vào tình trạng chán chường. Ảnh: Runner's World
Hiện tượng này thường được gọi là "trầm cảm sau marathon", không phải là bệnh lý, nhưng nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến động lực tập luyện. Việc lên kế hoạch thư giãn như gặp gỡ bạn bè, du lịch ngắn ngày hoặc viết lại hành trình chinh phục marathon sẽ giúp tinh thần cân bằng trở lại.
Checklist an toàn sau marathon:
- Nghỉ ngơi đầy đủ, ưu tiên giấc ngủ chất lượng
- Bổ sung nước từ từ và điện giải đều đặn trong 24 giờ đầu
- Theo dõi màu nước tiểu – cần sáng và trong
- Thay đồ khô, giữ ấm nếu thời tiết lạnh hoặc mưa
- Không tập luyện lại quá sớm, đặc biệt nếu còn đau nhức
- Theo dõi mọi triệu chứng bất thường: đau cơ dữ dội, buồn nôn, lú lẫn, sốt
- Dành thời gian thư giãn tinh thần: gặp gỡ bạn bè, nghỉ dưỡng ngắn ngày
- Nếu có biểu hiện nghiêm trọng, đến cơ sở y tế sớm để tránh biến chứng
Ngọc Bích
- Đường chạy VnExpress Marathon Huế 2025 đi vào lòng kinh thành
- Cận cảnh đường đua VnExpress Marathon Volvo All-Star
- Cung đường 'kiểu major' của VnExpress Marathon Volvo All-Star
- Cộng đồng 'dậy sóng' vì huy chương VnExpress Marathon Huế
- Vì sao ôtô điện được dùng dẫn tốc trong marathon
