Rụng tóc xảy ra khi tóc bắt đầu mỏng, rụng dần hoặc thành từng mảng. Rụng tóc đột ngột có thể tạm thời do căng thẳng, thay đổi sản phẩm chăm sóc tóc và các yếu tố môi trường khác. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có nguy cơ kéo dài tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng đến chu kỳ phát triển của tóc. Một số bệnh lý dưới đây có thể gây rụng tóc nhiều.
Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp nằm ở cổ, có vai trò tạo ra các hormone cần thiết để điều chỉnh nhịp thở, nhịp tim, tâm trạng, tiêu hóa. Tuyến giáp không hoạt động bình thường có thể gây mất cân bằng nội tiết tố ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Người mắc bệnh tuyến giáp đôi khi bị mỏng tóc, tóc thưa và lông mày mỏng.
Bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) và suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) đều có thể khiến tóc mỏng. Tình trạng rụng tóc này thường tạm thời, điều trị dứt điểm bệnh giúp tóc mọc lại.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai có khả năng khiến tóc rụng từng mảng trên da đầu, lông mày. Tóc mọc lại sau khi bệnh được điều trị. Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) cũng có thể gián tiếp khiến tóc rụng. Người nhiễm HIV có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt và suy dinh dưỡng.
Mất cân bằng nội tiết tố
Mất cân bằng nội tiết tố liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang và kiểm soát chức năng sinh sản dễ dẫn đến rụng tóc. Rụng tóc trong trường hợp này là do buồng trứng sản xuất quá mức nội tiết tố androgen, gây rụng tóc ở thái dương và phía trước da đầu.
Sự thay đổi hàm lượng hormone này đôi khi cũng làm cho lông mọc quá mức trên mặt và ngực. Một số phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh cũng có mái tóc mỏng đi do nồng độ estrogen giảm tự nhiên.
Thiếu chất dinh dưỡng
Cơ thể cần lượng vitamin và khoáng chất thích hợp để hỗ trợ các tế bào khỏe mạnh hoạt động, phát triển. Thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể dẫn đến rụng tóc theo thời gian. Chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng là điều cần thiết để giữ cho tóc, cơ thể khỏe mạnh. Thiếu hụt chất dinh dưỡng phổ biến khiến tóc dễ gãy rụng như sau:
Biotin là loại vitamin B có trong nội tạng, trứng, cá, các loại hạt, quả hạch và khoai lang. Chúng giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng để duy trì hoạt động.
Sắt tạo ra huyết sắc tố để vận chuyển oxy trong tế bào hồng cầu và hormone. Sắt có trong thịt, hải sản, thịt gia cầm, đậu lăng, rau bina, đậu thận, các loại hạt, ngũ cốc tăng cường chất sắt
Protein có tác dụng phát triển và sửa chữa tế bào. Nguồn protein bao gồm các sản phẩm động vật như thịt, sữa, trứng và cá, từ thực vật gồm đậu, đậu nành, các loại đậu.
Kẽm hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giúp tạo ra DNA và protein. Kẽm được tìm thấy trong hàu, thịt, cua, tôm hùm, ngũ cốc tăng cường kẽm.
Lupus
Lupus là bệnh tự miễn khác gây viêm da lan rộng, nhất là vùng mặt và da đầu. Người bệnh rụng tóc và dần dẫn đến hói đầu. Không chỉ tóc mà lông mi, lông mày, râu cũng có nguy cơ rụng dần. Một số loại thuốc giúp phục hồi nhưng đôi khi tình trạng này tồn tại vĩnh viễn.
Nhiễm độc
Người bị nhiễm độc asen, thallium, thủy ngân, axit boric và lithium bị rụng tóc do tác dụng phụ. Dung nạp lượng lớn warfarin, một thành phần trong thuốc diệt chuột, cũng là tác nhân ảnh hưởng đến mái tóc. Tóc thường mọc lại sau khi ngừng tiếp xúc với chất độc.
Bảo Bảo (Theo Health)
Độc giả gửi câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |