Thông tin Grab áp dụng thu thêm phụ phí nắng nóng tại các địa phương với mức 5.000 đồng mỗi chuyến GrabBike, đơn hàng GrabFood, GrabMart và 3.000 đồng với dịch vụ GrabExpress mới đây đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía người sử dụng dịch vụ của hãng xe công nghệ này.
Độc giả Tùng Lâm đặt dấu hỏi: "Là người đi GrabBike đều đặn mỗi tuần, cá nhân tôi cũng thấy rất khó hiểu cho quyết định thu thêm phí này: thời tiết như thế nào được xem là nắng nóng, xác định thời tiết đầu hay cuối chuyến đi để tính phí khách hàng, nếu trong lúc di chuyển thời tiết chuyển biến từ nắng sang mưa hoặc ngược lại thì sao, số tiền thu thêm này tài xế được hưởng toàn bộ hay Grab sẽ cắt phần trăm...? Đó là rất nhiều những thắc mắc của tôi cũng như phần lớn khách hàng xung quanh quy định tính phí mới của Grab.
Những dù lời giải thích có là thế nào đi chăng nữa, đứng trên cương vị một khách hàng sử dụng dịch vụ, tôi cho rằng, việc thu phí năng nóng này là vô cùng bất hợp lý. Trước đây, Grab cũng từng tự đề ra những loại phí phụ thu khác như: thời tiết xấu (trời mưa), chuyến xe ban đêm, khung giờ cao điểm, phí chờ lâu... Và tất cả những khoản thu ấy đều theo kiểu một chiều: hãng chỉ thông báo và thu tiền, khách hàng buộc phải chấp nhận. Thế nên, mới có tình trạng giá cước của chuyến xe thay đổi liên tục, "nhảy như ngựa" sau vài giây, nhiều khi khách hàng bấm đặt xe rồi mới được thông báo "giá cước có điều chỉnh", gây rất nhiều phiền toái.
Tôi cho rằng, đây không khác nào một hình thức tận thu của hãng xe công nghệ. Trong khi đó, khách hàng gần như không được bảo vệ quyền lợi một chút nào. Tất nhiên, bản thân tôi rất hiểu cho những vất vả của tài xế khi phải chịu cảnh dầm mưa, dãi nắng, ô nhiễm, khói bụi, kẹt xe, tắc đường, và cũng rất muốn tặng thêm cho tài xế chút tiền để cảm ơn nếu họ nhiệt tình phục vụ. Nhưng đó là phần thưởng ngoài đã được nêu rõ trong quá trình đặt xe, tùy vào thiện chí của mỗi người, cớ sao nay lại Grab cố ép vào giá cước bắt buộc như vậy?
>> Xe công nghệ tăng giá, tôi quay về với taxi truyền thống
Nên nhớ, việc hỗ trợ tài xế đáng lý ra phải là trách nhiệm của hãng xe, họ phải tự trích quỹ của công ty để trả thêm cho tài xế hoặc tăng chiết khấu cho mỗi cuốc xe, thay vì đòi hỏi khách hàng phải bỏ tiền ra chi trả. Nhất là sau hơn hai năm kinh tế khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, người người đều kiệt quệ về tài chính, chính phủ và các Bộ ban ngành đang ra sức tung các gói cứu trợ, giảm thuế xăng dầu để chia sẻ gánh nặng với người dân. Thế nên, hành động tự ý tăng phí của Grab rõ ràng càng khó chấp nhận.
Xét về góc độ pháp lý, các hãng xe công nghệ nếu muốn thu thêm bất kỳ khoản phụ phí nào cũng phải báo cáo với cơ quan chức năng, vì đây là vấn đề liên quan đến người tiêu dùng. Nếu cứ để yên cho việc tăng phí vô tội vạ này, liệu ai biết sau đây các hãng còn tung ra thêm những khoản phí vô lý nào nữa? Hy vọng thời gian tới, người tiêu dùng sẽ nhận được một câu trả lời thỏa đáng.
Còn từ giờ cho tới lúc mọi việc được làm sáng tỏ, tôi sẽ tạm ngưng sử dụng dịch vụ Grab, chuyển sang một hãng xe công nghệ khác, hoặc quay về với xe ôm, taxi truyền thống. Câu chuyện này làm tôi nhớ đến ồn ào khi các Head của Honda đua nhau "hét giá" trên trời cho dòng xe máy Vision, khiến dư luận dậy sóng cách đây ít lâu. Đã đến lúc quyền lợi của người tiêu dùng Việt cần phải được đảm bảo, tránh tình trạng "chịu thiệt đủ đường" khi các hãng mặc sức tăng giá, tận thu như thời gian qua".
>> Taxi công nghệ không cần gắn mào
Mới đây, Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đề nghị Grab làm rõ việc thu phụ phí nắng nóng và cách phân chia với tài xế. Grab được yêu cầu phải cung cấp danh mục, làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị, trước ngày 18/7.
Trong khi đó, bạn đọc Đức Hạnh Đinh lại ủng hộ việc để thị trường tự quyết định thành - bại của Grab sau quyết định thu phụ phí nắng nóng thay vì có sự can thiệp về giá của nhà nước: "Thị trường là cạnh tranh tự do. Người ta đưa ra giá như thế nào là việc của mỗi doanh nghiệp. Nếu người dùng cảm thấy vô lý thì có thể từ chối và sử dụng dịch vụ của hãng khác. Grab không phải doanh nghiệp độc quyền nên không cần sự can thiệp hành chính về giá. Không có một điều luật nào quy định thị phần của Grab phải tuân theo giá của nhà nước? Họ tăng giá vô lý thì bạn có quyền bỏ dịch vụ họ, sử dụng dịch vụ bên khác như Be, Gojek, xe ôm truyền thống...".
Đồng quan điểm, độc giả L. Buil nhận định: "Đây là thị trường kinh tế cạnh tranh để phát triển. Khách hàng là thượng đế, họ sẽ chọn dịch vụ nào vừa tin cậy, giá cả hợp lý và ổn định, giao hàng đúng giờ, hàng hóa không bị hư hỏng, sự lịch sự của nhân viên, sự thành thật trong cách cư xử, những ưu đãi cho khách quen, những cách tiếp thị giảm giá vào những dịp đặc biệt trong năm... Ai cũng có quyền thử nhiều dịch vụ khác nhau và chọn cho mình cái hợp lý nhất; sẵn sàng khiếu nại và tẩy chay nếu không hài lòng... Nên nhớ Grab cũng cần khách hàng, trong khi chúng ta có nhiều hơn một lựa chọn sử dụng dịch vụ. Thế nên, họ sẽ tự biết điều chỉnh để giữ chân khách hàng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.