Hôm nay, người nhà của một người từng là bệnh nhân nhắn cho tôi: "Khoa ơi, em tính thăm khám hậu Covid cho mẹ. Nhưng giá này thì anh thấy sao?". Mẹ của chị này tầm 50 tuổi, đang mắc đái tháo đường nhưng chỉ số ổn định kể cả khi đang điều trị bệnh Covid-19. Mức giá mà tôi được xem thực sự tá hỏa. Nó lên đến 10-15 triệu đồng, bao gồm rất nhiều thứ. Nào là xét nghiệm công thức máu, nước tiểu, chụp X-quang phổi... Đọc đến đây tôi tạm thời gật gù. Nhưng bên dưới còn có cả những thứ như HbA1C (chỉ số liên quan đến bệnh đái tháo đường), dấu ấn ung thư cùng các công nghệ cao trong chẩn đoán hình ảnh như MRI, CT... Thậm chí, tôi phải giật mình liên hồi trước đề nghị xét nghiệm gen để tìm gen gây ung thư vú và buồng trứng ở nữ.
>> Hiểm họa Covid-19 từ tâm lý 'ai rồi cũng là F0'
Bệnh nhân Covid-19 và người nhà của họ thực sự đã khổ lắm rồi. Họ kiệt quệ với thời gian dài không có việc làm, không tiền, sống trong nỗi lo thấp thỏm ngày mai biết ăn gì đây. Đến bây giờ, dẫu mọi thứ có vẻ trở lại bình thường nhưng nhiều người thu nhập vẫn chưa thể nào trở lại được 100% như trước. Các gói khám như vậy thực sự trở thành gánh nặng thêm cho bệnh nhân và người nhà. Nhiều người không biết, nghĩ rằng phải có nhiều tiền thì mới có thể tầm soát được. Đâm ra họ lại tự trách bản thân không đủ tiền lo lắng cho chính mình và người nhà.
Dịch đã lắng, Sài Gòn dần hồi sinh sau nửa năm chống dịch. Vấn đề nhức nhối hiện tại là hậu Covid và sự bóc lột của một số phòng khám trên sự kiệt quệ của người dân. Đứng ở giây phút hiện tại nhìn lại TP HCM ở thời điểm ba, bốn tháng trước đúng là mọi thứ khác biệt rất lớn. Khi đó, dẫu rằng bệnh nhân nặng đã giảm nhưng vẫn là một áp lực rất lớn lên đội ngũ nhân viên y tế cơ sở. Những cú điện thoại lúc nửa đêm của các bệnh nhân Covid-19 mới cứ chực chờ reo lên. Đội ngũ y tế lưu động như chúng tôi bất kể ngày đêm, luôn sẵn sàng lên đường, mang oxy đến tiếp viện cho bệnh nhân. Chuyển viện là điều xảy ra thường nhật đối với nhóm F0 có bệnh nền.
Trong năm ngoái, tôi tham gia hai đợt hỗ trợ cho bệnh nhân Covid-19: tư vấn qua điện thoại cùng Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành (tháng 8); và tham gia trực tiếp tại phường Thạnh Lộc, quận 12. Cơ hội tiếp cận trực tiếp, tôi mới thấy rõ được áp lực nơi tuyến đầu. Không chỉ là áp lực của nhân viên y tế mà còn là từ những hoàn cảnh của bệnh nhân.
Thạnh Lộc là địa bàn tiếp giáp giữa TP HCM và tỉnh Bình Dương, tập trung đông dân ngoại tỉnh. Đa số họ làm công nhân, công việc ngắn hạn, thiếu ổn định; thu nhập khá thấp. Họ chủ yếu sinh hoạt trong các dãy nhà trọ lụp xụp, kề sát bên nhau, thậm chí, ken chặt lối đi. Nhớ những lần lấy mẫu cộng đồng mà tôi ngỡ ngàng vì môi trường như vậy. Dịch bệnh xảy đến, cuộc sống ở đây như chững lại, nhiều người khó khăn. Viên thuốc hạ sốt được cấp phát thời điểm đó trở thành vật quý giá với một số người; bởi thu nhập của họ bằng "0" trong khi phải có tiền mới mua được thuốc và thực phẩm bổ sung đề kháng.
Như người thân của bệnh nhân ở trên đã than với tôi sau đó: "Giá cao như vậy em không đủ tiền lo cho mẹ. Em thấy có lỗi". Dù cô ấy có lỗi gì đâu. Tầm soát hậu Covid-19 cũng tương tự các gói khám sức khỏe định kỳ mà mỗi người thường sử dụng mỗi sáu tháng một lần. Có khác chăng ở đây là cái tên, nó được đội ngũ marketing các phòng khám "phù phép" thành những cái tên rất kêu. Dẫn đến người dân bị choáng ngợp.
Tùy theo những biểu hiện bất thường của cơ thể mà bệnh nhân nên sử dụng gói khám phù hợp, tránh những phung phí quá đà. Các chỉ định cần cho người hậu nhiễm Covid-19 là chụp X-quang phổi. Bởi đây là cơ quan được nhiều tạp chí khoa học về y khoa hàng đầu thế giới nhắc tới về tổn thương do loại bệnh này. Ngoài ra, có thể tầm soát thêm tim nếu có tình trạng nặng ngực, đau ở phần ngực giữa lệch trái (vị trí tim).
Đặc biệt, nếu bản thân bị rối loạn lo âu hoặc có dấu hiệu trầm cảm như thấy bản thân không đáng sống, chán nản cuộc đời thì nên tìm đến ngay các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần được hỗ trợ. Vì đây là vấn đề của tâm lý chứ không phải thể lý nên các gói khám đang quảng cáo rầm rộ không giúp giải quyết tốt nhất. Bên cạnh đó, bệnh nhân và người nhà nên tranh thủ các tư vấn của bác sĩ, chuyên viên y tế trước khi sử dụng combo khám để tránh vung tay quá trán - bệnh thì ít hoặc không có mà chi tiêu tràn lan. Nếu người có thói quen sáu tháng khám định kỳ một lần thì có thể hoãn lại để khám chung vào lần tiếp theo, trừ khi cơ thể báo hiệu đau cấp.
Hy vọng những chia sẻ trên đây có thể giúp cho các bạn hiểu đúng hơn về tầm soát hậu Coivd-19, tránh "mất tiền oan" cho những dịch vụ cò mồi.
Dy Khoa
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.