Ngón tay của bà Phương có những đốm bột trắng, ban đầu ngứa nhiều ở phần đầu móng sau đó lan dần vào trong móng. Móng đổi màu từ vàng nhạt sang vàng sậm, nâu và dày, hóa sừng bị độn cao lên. Tình trạng này tiếp tục lan sang một số ngón khác trên hai bàn tay.
Mỗi ngày, bà Phương phải mang găng tay cao su để móng tay không dính nước trong lúc lau mặt, nấu ăn cho mẹ già... Lúc tắm rửa, bà mang thêm hai lớp găng tay dày, kéo dài đến hết cánh tay. Bà còn dùng băng kéo quấn quanh đầu găng tay để nước không lọt vào bên trong. Bà đến nhiều bệnh viện khám, được chẩn đoán bị ly móng - tình trạng phần phiến móng bên trên tách khỏi giường móng bên dưới, bắt đầu từ đầu móng rồi lan dần vào trong, dùng thuốc bôi và uống các loại vitamin.
Cuối năm 2024, bà đến khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, BS.CKI Lý Thiên Phúc chẩn đoán người bệnh bị nấm móng. Đây là bệnh do nấm gây ra, khiến móng dày lên, biến dạng, đổi màu vàng hoặc nâu, dễ gãy. Trường hợp nặng, móng có thể bong tróc hoặc gây đau khi va chạm, khiến người bệnh tự ti, ngại giao tiếp. Nấm móng kéo dài có thể lây lan sang các móng khác, khiến việc điều trị phức tạp hơn.

Bác sĩ Thiên Phúc điều trị nấm móng cho bà Phương bằng laser Nd:YAG xung dài. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nấm móng mạn tính thường kháng trị và dễ tái phát, khiến người bệnh phải điều trị nhiều cách như dùng thuốc bôi, thuốc uống, thậm chí loại bỏ móng. Tuy nhiên, những phương pháp này thường mất nhiều thời gian, hiệu quả không triệt để và có thể gây tác dụng phụ, theo bác sĩ Phúc.
Bà Phương được chỉ định điều trị kết hợp bằng thuốc và laser Nd:YAG xung dài. Bác sĩ Phúc cho hay laser Nd:YAG là một trong những phương pháp tiên tiến giải quyết nấm móng triệt để. Phương pháp này sử dụng tia sáng có cường độ cao, xuyên sâu vào các lớp móng và mô dưới móng, tiêu diệt nấm mà không gây tổn thương đến các mô xung quanh, đồng thời kích thích tái tạo móng khỏe mạnh, giảm nguy cơ tái phát bệnh.
Sau hai lần điều trị kết hợp thuốc và laser Nd:YAG xung dài khoảng 15-30 phút, tình trạng nấm móng của bà Phương cải thiện rõ, móng tay mọc ra bình thường. Sau điều trị, bà vẫn cẩn thận sử dụng găng tay trong các công việc đụng đến nước.

Móng tay bà Phương trước và sau khi điều trị bằng laser (ảnh phải). Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo bác sĩ Phúc, người bệnh cần duy trì tái khám và theo dõi tình trạng bệnh để đảm bảo kết quả điều trị lâu dài. Nhằm ngăn ngừa tái phát nấm móng, người bệnh cần thoa thuốc kháng nấm và dưỡng ẩm cho móng. Không để móng quá dài vì tạo điều kiện cho nấm phát triển. Nên cắt móng thẳng và dũa kỹ, khử trùng kềm sau mỗi lần sử dụng.
Mọi người nên thường xuyên rửa sạch và lau khô chân tay, nhất là các khu vực giữa các ngón tay và ngón chân - nơi ẩm ướt dễ phát sinh nấm. Không dùng chung dụng cụ làm đẹp như dũa móng, kéo cắt móng với người khác để phòng lây nhiễm nấm.
Du Nguyên
Độc giả gửi câu hỏi về da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |