TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra bệnh Chlamydia, một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục phổ biến. Chlamydia trachomatis cũng gây nhiễm trùng mắt gọi là "đau mắt hột", nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa.
Các bệnh phổ biến liên quan đến nhiễm trùng Chlamydia trachomatis gồm:
Viêm cổ tử cung: Khoảng 70% phụ nữ sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ như: tiết dịch âm đạo, chảy máu, đau bụng, tiểu khó. Chỉ một số ít phụ nữ có biểu hiện tiết dịch nhầy, chảy máu nội mạc tử cung, chảy máu sau khi giao hợp...
Bệnh viêm vùng chậu: Xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường sinh sản. Thông thường, người bệnh sẽ đau bụng, đau vùng chậu, triệu chứng giống viêm cổ tử cung hoặc không có dấu hiệu. Các triệu chứng khác gồm: buồn nôn, sốt, ớn lạnh, đau thắt lưng, đau khi giao hợp, tiểu khó...
Viêm niệu đạo: Bệnh dễ nhầm lẫn với Chlamydia nên cần xét nghiệm để chẩn đoán chính xác. Bệnh gây khó tiểu, tiết dịch niệu đạo. Nữ bị viêm niệu đạo có triệu chứng tiểu nhiều hoặc khó tiểu, dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng đường tiết niệu.
Viêm quanh gan hay hội chứng Fitz-Hugh-Curtis: Xảy ra khi nhiễm khuẩn dẫn đến viêm bao gan, các bề mặt phúc mạc lân cận. Hội chứng này thường thấy ở người bệnh viêm vùng chậu, gây đau hạ sườn phải, tức ngực.
Viêm mào tinh hoàn: Xảy ra ở nam giới, có những biểu hiện như đau toàn bộ hoặc một bên tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, sưng mào tinh hoàn, sốt.
Viêm trực tràng: Nhiễm trùng trực tràng với Chlamydia trachomatis có thể không có triệu chứng nếu gây ra bởi các tuýp từ D đến K. Tuy nhiên, nếu tuýp L1-L3 là nguyên nhân, người bệnh sẽ đau trực tràng, sốt, khó chịu, tiết dịch, chảy máu khi giao hợp qua đường hậu môn.
Viêm tuyến tiền liệt: Các triệu chứng gồm khó tiểu, rối loạn chức năng tiết niệu, đau vùng chậu, đau khi xuất tinh. Các chất tiết ra từ tuyến tiền liệt khi nhìn dưới kính hiển vi sẽ thấy bạch cầu tăng hơn so với bình thường.
Viêm khớp phản ứng: Người nhiễm Chlamydia trachomatis có nguy cơ cao bị viêm khớp phản ứng (hội chứng Reiter). Bệnh ảnh hưởng đến khớp, mắt, niệu đạo, ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể.
Viêm kết mạc: Dịch tiết sinh dục nhiễm Chlamydia trachomatis dính vào mắt có thể gây nhiễm trùng kết mạc. Các triệu chứng điển hình gồm viêm kết mạc không mủ (đốt ban đỏ trên biểu mô bề mặt). Viêm kết mạc là biểu hiện phổ biến nhất của nhiễm Chlamydia trachomatis ở trẻ sơ sinh.
Viêm phổi: Mẹ nhiễm khuẩn Chlamydia trachomatis khi mang thai, trẻ sinh ra có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi từ 5 - 30%. Việc nhận biết bệnh trong khoảng 4 - 12 tuần tuổi với biểu hiện nghẹt mũi, ho, một số trẻ có dịch mũi đặc.
Viêm họng: Mặc dù không được coi là nguyên nhân chính gây viêm họng nhưng Chlamydia trachomatis được phát hiện trong hầu họng bằng các xét nghiệm khuếch đại axit nucleic.
U hạt bạch huyết hoa liễu: Cơ thể người bệnh xuất hiện các vết loét ở bộ phận sinh dục nhưng không đau, có kích thước nhỏ.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích khuyến cáo, hầu hết, các trường hợp nhiễm khuẩn Chlamydia trachomatis giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ rệt. Phụ nữ quan hệ tình dục dưới 25 tuổi, thai phụ, có nhiều bạn tình, người từng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục... là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn này. Do đó, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm và sàng lọc để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Phương Nga