Đánh giá về nhận định "Học phí trường Y 'không cao'", độc giả Don Qzx cho rằng không thể đánh giá mức học phí bằng cách so sánh với các nước khác: "Cần xem xét học phí trong bối cảnh lương, thu nhập và khả năng thu hồi chi phí học tập khi làm việc sau tốt nghiệp, chứ không chỉ dựa trên chi phí đào tạo hay so sánh với nơi này, nơi kia. Lương quy định của nhà nước đối với bác sĩ mới tốt nghiệp chỉ là bốn triệu/ tháng, trong khi học phí sáu năm học Y gần 500 triệu đồng (chưa tính chi phí ăn ở và học cụ). Bác sĩ phải trụ lại vùng có thu nhập cao (nghĩa là nơi cần sẽ vẫn thiếu bác sĩ) hay làm cái gì đó ngoài lương mới có khả năng duy trì cuộc sống và thu hồi chi phí học tập".
Đồng quan điểm, bạn đọc Chí Cường nhấn mạnh: "Lương trung bình của ngành Y ở Mỹ là rất cao so với mặt bằng chung hầu hết các ngành. Còn so với Việt Nam thì lương ngành Y lại thua hầu hết các ngành vì ngành khác còn được tiền thưởng này nọ còn ngành Y cứ chan chát tiền lương cơ bản. Bệnh viện thu không đủ chi mà hễ suy nghĩ ra cái gì mới để tăng thêm nguồn thu thì lại mang tiếng lương y không như từ mẫu. Cứ muốn thuốc phải tốt, dịch vụ phải chuẩn, bác sĩ phải giỏi nhưng tiền phải thật thấp thì ai mà đáp ứng được?
Học phí trường Y không cao nhưng lương bác sĩ lại quá thấp. Đó là chưa kể không như những ngành khác, nghề Y bắt buộc phải học để nâng cao, cập nhật kiếm thức liên tục. Ngày xưa, học phí thấp mà bác sĩ đã khó sống, phải bán sức khỏe chạy làm thêm để kiếm lo cho gia đình. Nay học phí tăng vậy thì chắc chỉ người giàu mới học Y nổi. Hiện nay, bác sĩ giỏi bỏ bệnh viện công rất nhiều vì lương quá thấp nhưng bệnh viện tư lại không dám nhận chữa những ca quá khó sống vì sợ trách nhiệm dù sở hữu đội ngũ bác sĩ giỏi và đẩy sang bệnh viện công, nơi lượng bác sĩ giỏi ngày càng ít dần. Và việc tăng học phí trường Y càng làm tình trạng đó lan rộng.
Không gia đình nào muốn đầu tư hàng trăm triệu cho con đi học để sau đó con ra trường về lại quê hương đi làm lương chỉ chưa đầy bốn triệu cả. Ngành khác bạn có thể tự cập nhật kiến thức bằng nhiều cách, đi học hay không là tùy bạn, còn ngành Y là bắt buộc phải đi học, chấp nhận giảm đi đồng lương vốn đã còm cõi và phải bỏ tiền túi ra rất nhiều (đó là may mắn được lãnh đạo sắp xếp cho đi học được, còn chẳng may không được đi thì chịu khó sau này cơ hội thăng tiến sẽ không còn và xui xui còn dễ nằm trong danh sách bị đào thải)".
Khẳng định việc so sánh học phí trường Y ở Việt Nam so với các nước là khập khiễng, độc giả Linh cho rằng: "Tôi có tiền cũng không cho con học nghề Y. Bản thân đang làm trong ngành y tế nhưng tôi không sống bằng lương mà bằng các khoản đầu tư khác. Học Y ở Việt Nam đã cực khổ, lương thấp, lại học phí cao. Tốn thời gian nào là chứng chỉ hành nghề, chuyên khoa, môi trường làm việc căng thẳng, áp lực cao. Còn đem so sánh học phí với các nước trong khu vực thì quá khập khiễng. Lương ra trường của sinh viên ở Thái Lan cũng 13 triệu. Ở Việt Nam lương cơ bản chỉ 2,3 triệu. So sánh vậy là quá khập khiễng".
"So với thu nhập trung bình của người dân và các trường đại học khác trong cả nước thì học phí vậy là quá cao. Đồng ý tăng học phí sẽ tăng chất lượng đào tạo nhưng nên có lộ trình, chứ đùng cái tăng lên gấp mấy lần như vậy phụ huynh cảm thấy hụt hơi và chỉ những con nhà khá giả trở lên mới có điều kiện học bác sỹ, còn còn nhà nghèo thì không", bạn đọc Ctytasocovn nói thêm.
>> Theo bạn, học phí trường Y cao hay thấp? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.