Trước thông tin Bộ Y tế lo lắng y bác sĩ bỏ việc, xem xét tước chứng chỉ hành nghề y những người tự ý bỏ việc, theo tôi, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự khiến lực lượng y bác sĩ tiếp tục muốn gắn bó với nghề, thay đổi suy nghĩ của những người đang có ý định rời bỏ công việc cứu người cao cả này.
>> Ngăn y bác sĩ bỏ việc trước khi tước chứng chỉ hành nghề
"Có thực mới vực được đạo" là một chân lý sống trong xã hội. Những người làm ngành y luôn phải đối mặt với sự căng thăng trong việc chữa bệnh, cứu người; những áp lực trong công việc, mối quan hệ giữa đồng nghiêp, nhân viên và quản lý hay lãnh đạo. Thực tế đó luôn hiện hữu trong mỗi bệnh viện, cơ sở y tế... Đương nhiên không thể nói, chỉ ngành y mới có áp lực, nhưng áp lực đó rất khác biệt vì liên quan đến sinh mạng con người.
Thực tế trong cuộc sống đòi hỏi y bác sĩ phải có trình độ học vấn, tay nghề cao. Trong khi đó, mức lương, thưởng của họ lại rất thấp. Đôi khi, lương của nhân viên y tế địa phương còn thấp hơn cả thợ hồ. Họ cũng là con người bình thường như bao người khác, họ cũng biết mệt mỏi, căng thẳng, cũng phải đắn đo, có lúc so sánh chế đội đại ngộ và áp lực công việc của mình để rồi chạnh lòng. Đó là suy nghĩ hết sức bình thường.
Tôi tin rằng, không một nhân viên y tế nào trong lúc khám, chữa bệnh lại muốn bỏ mặc bệnh nhân của mình trở nặng hay từ bỏ bất cứ khả năng nào, dù là nhỏ nhất, để cứu sống người bệnh cả. Bởi đơn giản, khi đã chọn ngành này, trước tiên người ta phải thực sự yêu nó, hy sinh biết bao thời gian, tâm sức mới theo được khi đây vốn là một ngành không dễ đậu và học chút nào.
Nhưng các y bác sĩ không phải thần thánh để có thể chịu đựng mọi sự rủi ro, hy sinh tất cả vì người khác một cách vô điều kiện được. Tôi tin chắc rằng, chẳng ai trong chúng ta muốn động viên con cháu mình cố gắng học hành để trở thành kỹ sư này, bác sĩ kia, thạc sĩ nọ... nhưng đổi lại là một công việc áp lực cao, lương thấp và chế độ đãi ngộ bèo bọt cả.
>> Để y bác sĩ không thành 'thiên thần đói ăn, thiếu ngủ'
Theo tôi, việc tìm hiểu lý do khiến nhiều nhân viên y tế bỏ việc không quá khó:
1. Hãy tìm hiểu xem chúng ta đã ứng xử thế nào, đưa ra chỉ tiêu ra sao, sắp xếp nhân sự, phân chia ca kíp đã hợp lý chưa? Tại sao lại kiến các y bác sĩ phải làm việc với tâm trạng chán nản, hời hợt, thậm chí bỏ việc giữa chừng như thế? Lưu ý rằng, trước khi có đại dịch, họ vẫn yêu nghề, gắn bó nơi làm việc nhiều năm dù lương thấp, và áp lực cao. Thu phục nhân tâm, là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà quản lý.
2. "Có thực mới vực được đạo" nên những nhà quản lý cần xem xét và nhanh chóng điều chỉnh chế độ đãi ngộ, sao cho mọi nhân viên y tế đều có thu nhập tốt, nghỉ ngơi hợp lý, giúp họ có thể yên tâm tập trung vào công việc chữa bệnh, cứu người. Theo tôi, xã hội, kinh tế muốn phát triển mạnh và bền vững thì lương thưởng của hai ngành giáo dục và y tế luôn phải cao nhất. Điều đó sẽ giúp các y bác sĩ, giáo viên hết lòng vì công việc, góp phần tạo những thế hệ tiếp nối giỏi về chuyên môn, khỏe mạnh về thể trạng, thu về nhiều trái ngọt cho đất nước.
Tôi cũng đi làm như bao người khác, từng chứng kiến cảnh thăng trầm của công ty, có khi rất nhiều đơn hàng và thu nhập cao, cũng có thời điểm ít đơn hàng khiến thu nhập giảm. Nhưng rất hiếm nhân viên nghỉ việc bởi đơn giản, họ luôn có niềm tin và sự kính nể với người quản lý đã luôn theo sát mọi hoạt động, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của mỗi cá nhân, tập thể và xem xét thực hiện ngay khi có thể.
Tôi tin, điều đó cũng đúng với ngành y và lực lượng y bác sĩ. Mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận và quan điểm khác nhau. Tôi muốn phê phán ai ở đây cả, chỉ mong rằng chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của các nhân viên y tế để lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của họ; để thấy được thực tế công việc và những áp lực mà họ đang phải gánh chịu một mình. Có như vậy, chúng ta mới có thể đưa ra những quyết định hợp tình, hợp lý nhất, vừa giữ chân được các y bác sĩ tuyến đầu, vừa không dập tắt nhiệt huyết với nghề của họ.
Đình
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.