Theo Quỹ Thận Quốc gia Mỹ (NKF), người mắc bệnh thận thường không biểu hiện triệu chứng cho đến giai đoạn rất muộn như suy thận hoặc lượng lớn protein xuất hiện trong nước tiểu. Cách xác định bệnh thận chính xác là xét nghiệm, song vẫn có những dấu hiệu nhận biết.
Ít năng lượng hoặc khó tập trung
Chức năng thận suy giảm có thể dẫn đến tích tụ độc tố và tạp chất trong máu, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung. Biến chứng khác của bệnh thận là thiếu máu cũng có thể gây yếu mệt.
Khó ngủ
Khi thận không lọc máu hiệu quả, độc tố tích tụ trong máu thay vì thoát ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Do đó, người bệnh có thể bị khó ngủ. Chứng ngưng thở khi ngủ cũng phổ biến hơn ở người bệnh thận so với dân số nói chung.
Đi tiểu thường xuyên hơn
Đi tiểu nhiều hơn, nhất là vào ban đêm, có thể cảnh báo bộ lọc của thận bị hỏng. Đôi khi đây cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới.
Tiểu máu
Thận khỏe mạnh thường giữ các tế bào máu trong cơ thể khi lọc chất thải từ máu để tạo ra nước tiểu. Trường hợp suy thận, các tế bào máu này có khả năng rò rỉ vào nước tiểu. Ngoài ra, tiểu máu còn có thể là dấu hiệu của khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng.
Nước tiểu có bọt
Quá nhiều bọt cho thấy có protein trong nước tiểu. Bọt này có thể trông giống như bọt khi đánh trứng, vì albumin - loại protein phổ biến trong nước tiểu, cũng chính là protein có trong trứng.
Da khô ngứa
Thận loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, giúp tạo ra các tế bào hồng cầu, nhờ đó xương chắc khỏe và duy trì lượng khoáng chất phù hợp trong máu. Da khô và ngứa có thể là dấu hiệu bệnh thận tiến triển hoặc thận không còn khả năng duy trì cân bằng khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu.
Mắt sưng
Tình trạng sưng phù quanh mắt có thể do cơ thể rò rỉ một lượng lớn protein qua nước tiểu thay vì giữ trong cơ thể.
Phù chân
Chức năng thận suy giảm thường dẫn đến tồn đọng natri (muối), khiến tim và mắt cá chân sưng lên. Tuy nhiên, bệnh tim, bệnh gan và vấn đề mạn tính về tĩnh mạch chân cũng có thể gây sưng ở các chi nhỏ.
Chán ăn
Đây là triệu chứng rất phổ biến nhưng tích tụ độc tố do suy thận có thể là một trong những nguyên nhân.
Chuột rút
Mất cân bằng điện giải gây chuột rút có thể xuất phát từ suy giảm chức năng thận. Ví dụ, nồng độ canxi thấp và lượng phốt pho không được kiểm soát tốt góp phần gây co thắt cơ.
Người có những triệu chứng trên nên sớm đến bác sĩ đánh giá chức năng thận, kịp thời điều trị. Đặc biệt người bị huyết áp cao, tiểu đường, tiền sử gia đình suy thận hoặc trên 60 tuổi có nguy cơ mắc bệnh thận cao, nên xét nghiệm chức năng thận mỗi năm.
Anh Ngọc (Theo Kidney.org)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |