Video ghi lại vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 20h tối 18/12, trên quốc lộ 20, thuộc địa phận phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Thời điểm này, một chiếc xe tải chạy với tốc độ cao, lấn hẳn sang làn đường ngược chiều để vượt ẩu đã bất ngờ lao thẳng về phía một người đàn ông đi xe máy. Cú đâm mạnh, trực diện khiến nạn nhân văng xa vài mét xuống đường. Sau khi xảy ra va chạm, thay vì xuống xe hỏi thăm nạn nhân, tài xế chiếc xe tải còn nhấn ga, cán nát chiếc xe máy rồi bỏ chạy, để mặc nạn nhân đau đớn nằm lại. Người đàn ông đã tự đứng dậy được rồi nhanh chóng ngã ra đường và được người dân xung quanh chạy đến giúp đỡ.
Xét về khía cạnh pháp luật, hành vi lấn làn, phóng nhanh, vượt ẩu vốn xảy ra "như cơm bữa" trên các cung đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ. Thủ phạm chính thường là các tài xế xe tải, xe khách chạy đường dài. Lợi dụng đêm vắng, không có lực lượng chức năng, những tài xế này mặc sức nhấn ga bất chấp luật lệ. Tại Điểm a Khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người có hành vi điều khiển xe ô tô không đi đúng phần đường gây tai nạn giao thông và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Mức xử phạt trên đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, nhưng dường như vẫn chưa đủ răn đe với các tài xế thiếu ý thức. Vì sao? Cũng như nhiều quy định pháp luật giao thông khác, quy định đã có, nhưng vấn đề nằm ở chỗ lực lượng chức năng xử phạt không xuể, không nghiêm. Điều đó dẫn đến những kẽ hở, bỏ sót nhiều trường hợp vi phạm, lâu dần tạo tâm lý nhờn luật trong người dân. Muốn giải quyết được tồn tại này, không còn cách nào khác, chúng ta phải tăng cường xử lý vi phạm (có thể thông qua hệ thống camera giao thông, camera an ninh, hoặc video do người dân ghi lại). Chỉ khi nào mọi hành vi phạm luật đều bị nghiêm trị, khi đó chúng ta mới quét sạch được những hung thần trên xã lộ.
>> Cô gái suýt chết oan vì xe máy chở cồng kềnh
Có nhiều lý đo được đưa ra để biện minh cho việc tài xế rời khỏi hiện trường sau khi gây tại nạn thay vì đưa nạn nhân đi cấp cứu: vì sợ bị người nhà nạn nhân hành hung, sợ bị liên lụy trách nhiệm... Nhưng dù vì lý do gì, đây cũng là hành vi không thể chấp nhận được.
Gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người gây tai nạn dẫn đến hậu quả làm chết người, trong trường hợp bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, sẽ bị phạt tù từ 3-10 năm. Trường hợp không gây hậu quả nghiêm trọng và bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn sẽ bị xử lý hành chính từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô và 6-8 triệu đồng với người điều khiển xe máy. Quy định là vậy nhưng thực tế, rất nhiều tài xế vẫn chọn cách bỏ trốn khỏi hiện trường và chỉ chịu ra đầu thú sau khi biết hành vi của mình đã bị ghi hình và không thể trốn tránh. Hệ quả, chỉ có nạn nhân phải gánh chịu thương tổn nặng nề.
Tôi mong tài xế trên sớm bị cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng và xử nặng, thậm chí truy cứu hình sự để làm gương cho người khác. Không thể mãi nhẹ tay với những thành phần coi thường luật pháp và tính mạng con người.
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.