Đoạn video đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội ghi lại khoảnh khắc cô gái đi xe máy suýt mất mạng khi quệt phải người khác chở hàng cồng kềnh. Vụ tai nạn xảy ra sáng 22/12, trên quốc lộ 3, đoạn rẽ sang đường Võ Nguyên Giáp (Hà Nội).
Vào thời điểm trên, một người đàn ông đi xe máy chở theo một bao hàng lớn trên đoạn đường đông. Khi đang cố vượt lên, bao hàng phía sau mắc vào vào tay lái của một cô gái đi xe ga cùng chiều khiến nạn nhân loạng choạng, mất lái và ngã nhào ra đường, ngay trước mũi hàng loạt ôtô, xe tải. May mắn, các tài xế đã kịp thời phát hiện, nhấn phanh, tránh cán phải cô gái. Trong khi đó, người đàn ông chở hàng cồng kềnh vẫn dửng dưng ngoái nhìn thay vì chạy lại giúp đỡ, hỏi thăm người bị nạn.
Rõ ràng, cô gái trong vụ việc trên hoàn toàn vô tội, dù đã đi rất chậm, sát mép đường nhưng kết cục vẫn bị nạn, đe dọa đến tính mạng. Chứng kiến pha thoát chết trong gang tấc của cô gái trên, tôi không khỏi hoang mang, lo sợ cho sự an toàn tính mạng của mình và những người khác khi tham gia giao thông.
Ngày nay, chỉ cần ra đường, không khó để bắt gặp những người chở tôn, sắt thép, hoa quả, đồ ăn thừa... xuất hiện nhan nhản khắp phố. Dường như họi cho rằng hành vi của mình là chuyện bình thường. Lực lượng chức năng cũng rất ít khi xử phạt những trường hợp này. Có thể một phần do quan niệm của phần đông xã hội cho rằng họ là những lao động nghèo, vất vả mưu sinh, nên đa số đều tặc lưỡi cho qua. Nhiều người còn nhắc nhở nhau "gặp mấy người đó thì chú ý mành tránh xa ra không có vạ lây". Tư tưởng đó lâu dần trở thành sự dung túng, thỏa hiệp với sai phạm - thứ tuyệt đối không được phép xuất hiện trong một xã hội thượng tôn pháp luật.
>> Phạt nguội tài xế mở cửa xe bất cẩn
Thông tư 46/2015/TT-BGTVT đã nêu rõ, người đi mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.
Theo Điểm K Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định: Phạt tiền 400.000-600.000 đồng đối với người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác. Ngoài ra, Điểm c, Khoản 10, Điều 6 cũng quy định, trường hợp gây tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện còn bị hình phạt bổ sung tước GPLX 3-5 tháng.
Tuy nhiên, mức phạt này vẫn là quá nhẹ so với những hậu quả nghiêm trọng mà hành vi chở hàng cồng kềnh có thể gây ra cho người khác. Tính mạng con người không thể chỉ tương xứng với vài tram nghìn tiền phạt. Chính sự nhẹ tay của luật đã vô tình khiến những người vô ý thức vẫn ngang nhiên chở hàng quá khổ, bất chấp an nguy của người khác, cố tình vi phạm vì chút lợi ích cá nhân. Đã đến lúc chúng ta nghiên cứu và điều chỉnh lại khung hình phạt cho hành vi này. Đừng để những cái chết thương tâm xảy ra rồi mới lo đi khắc phục hậu quả.
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.