"Điều đáng ngại nhất của đề xuất thay đổi hàng loạt hạng giấy phép lái xe là xem người lái xe 150 cc với xe 1.000 cc tương đương nhau. Điều đó tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy. Thực tế, người chưa từng lái xe trên 300 cc (loại xe phân khối lớn phổ biến trên thị trường) sẽ rất khó điều khiển chiếc xe một cách an toàn, dù cho họ có lái xe 125 cc hay 150 cc thuần thục cỡ nào. Đáng lẽ hạng A1 phải dành cho xe dưới 200 cc, còn muốn điều khiển xe phân khối lớn mới cần bằng lái hạng khác, và quy trình sát hạch cũng phải thật khó để nâng cao ý thức lái xe và hạn chế tai nạn trên đường".
Đó là quan điểm của độc giả Nguyen Tuan xung quanh đề xuất thay đổi hàng loạt hạng giấy phép lái xe. Theo đó, hạng A1 cấp cho người lái xe máy phân khối đến 125 cc hoặc công suất động cơ điện đến 11 kw. Hạng A dành cho xe có phân khối lớn hơn A1. Hạng B1 cấp cho người lái mô tô ba bánh và các loại xe thuộc hạng A1. Người khuyết tật lái mô tô ba bánh được cấp giấy phép A1.
Theo Luật Giao thông đường bộ 2008 đang có hiệu lực, giấy phép lái môtô gồm các hạng A1, A2, A3. Trong đó, A1 cấp cho người lái xe 50-175 cc; A2 từ 175 cc. Như vậy, theo dự thảo mới, hạng A sẽ thay thế hạng A2 hiện hành, đồng thời thay đổi ngưỡng phân khối với A1 từ 175 cc xuống 125 cc. Hạng B1 thay thế A3.
Cùng chung băn khoăn về những thay đổi hạng giấy phép lái xe, bạn đọc Baymap chia sẻ: "Phân hạng A và A1 mới có nhiều điểm không hợp lý. Việc lái xe 125 cc đến 175 cc, thậm chí 250 cc không có gì khác biệt. Trong khi đó, chạy một chiếc xe ga 150 cc và chiếc 1.000 cc là khác nhau hoàn toàn. Vậy khi thi bằng A có phải chạy xe côn tay 250 cc như hiện nay không? Nhiều người chỉ có nhu cầu chạy chiếc xe tay ga 150 cc, chẳng lẽ lại bắt họ đi thi xe côn tay? Ngược lại, nếu dùng xe tay ga 150 cc để thi bằng A rồi dùng bằng này chạy mấy chiếc phân khối lớn hơn 1.000 cc thì liệu có an toàn không?".
>> 'Lùi chuồng' ngoài phố khác xa sa hình
Thắc mắc về phân hạng bằng lái dành cho người lái ôtô, độc giả Bình Luận đặt câu hỏi: "Phân hạng bằng lái với ôtô có nhiều bất cập. Cách điều khiển xe số sàn và số tự động khác nhau rất xa, do đó không nên gộp chung một loại bằng lái. Xe con còn nói ít người đi số sàn, chứ xe tải dưới 3,5 tấn thì lấy đâu ra xe số tự động để mà dùng chung bằng?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Tho.pduc nói thêm: "Tôi thấy cũng lạ khi bằng B1 và B2 vốn khác nhau chỗ không được lái xe kinh doanh. Vậy giờ gộp B1 và B2 lại thành B thì người có bằng B1 cũ có được lái xe kinh doanh không?".
Ủng hộ việc thay đổi để đồng bộ dữ liệu quản lý, tuy nhiên độc giả Quang Thảo cho rằng cần xem xét lại quy định để giảm phiền toái cho người dân: "Việc đổi từ GPLX giấy sang thẻ nhựa để đồng bộ dữ liệu cho công tác quản lý là tốt, tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần tính đến việc tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục.
Ví dụ như tôi có GPLX hạng A1 do Cần Thơ cấp năm 2007. Tuy nhiên, hiện nay tôi về Đồng Nai sinh sống nên không thể làm thủ tục đổi GPLX sang thẻ nhựa tại bộ phận một cửa được. Lý do là bởi cán bộ tiếp nhận không tra cứu được GPLX trên hệ thống (mặc dù vẫn còn hồ sơ gốc thi GPLX). Trường hợp này phải xử lý thế nào?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Sát hạch lái xe mô phỏng kiểu dùng mẹo để thắng'
- 'Đề xuất mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm là quá nhiều'
- 'Quá nhiều thông tin trên giấy phép lái xe'
- 'Bảo bối' trừ điểm bằng lái xe
- Lấy bằng lái xe - 'học mẹo, thi minh họa'
- 'Rút thời hạn bằng lái xe xuống 5 năm không làm giảm tai nạn'