Hiện, TP HCM có 58 doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định với gần 1.600 xe; hơn 1.350 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch, với gần 91.000 ôtô. Tuy nhiên, nhiều hãng núp bóng kinh doanh theo dạng này để "chạy dù". Sở Giao thông Vận tải TP HCM thống kê địa bàn có 76 địa điểm xe thường xuyên đón trả khách sai quy định, tập trung nhiều ở khu nội thành. Các địa điểm này tập trung taxi, xe ôm đến chèo kéo, tranh giành khách vừa ảnh hưởng giao thông và mất an ninh.
Trả lời cho câu hỏi "đâu là nguyên nhân xe dù, bến cóc nở rộ?", độc giả Minh Thanh nguyễn cho rằng vấn đề nằm ở thói quen tùy tiện của hành khách: "Nhiều người cho rằng bến xe mới ở quá xa, gây bất tiện, tốn kém cho hành khách nên họ phải bắt xe dù. Nhưng nếu các bạn đi máy bay hay mai kia đi tàu điện và hiện nay là xe buýt, thì thử hỏi các bạn phải tự mình đến sân bay, ga tàu, trạm xe hay đòi hỏi các phương tiện phải đón tận nơi để thuận tiện và giảm chi phí? Lối tư duy thiển cận và không chấp hành quy định của pháp luật, quy định của xã hội như vậy chính là nguyên nhân gây nên tình trạng bát nháo, kẹt xe không thể xử lý.
Nếu các bạn cương quyết nói không với 'xe dù, bến cóc' thì xã hội sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí xử lý vi phạm và giao thông sẽ đi vào nề nếp. Khi đó, nhà xe muốn cạnh tranh sẽ phải có giải pháp đưa đón, trung chuyển tại bến hay điểm dừng xe buýt hoặc thậm chí tại nhà hành khách... Ngược lại, bạn cũng phải có ý thức sử dụng phương tiện công cộng để đến bến xe. Hãy tự giác và đừng ảo tưởng sân bay, ga tàu, bến xe phải thuận tiện như xe cá nhân".
Đồng quan điểm, bạn đọc Tran Minh Giang nhận định: "Nhiều người lấy lý do không muốn tốn nhiều thời gian, mất thêm tiền đi xe ôm, taxi đến bến nên đón xe dù ở bến cóc. Họ chỉ cần gọi điện đặt trước là nhà xe sẵn sàng phục vụ thay vì phải vào bến mua vé. Hành khách vì cái tiện lợi của riêng mình như vậy mà lờ đi mọi phiền phức của những người tham gia giao thông khác. Giao thông rối loạn do xe dù cứ tấp vô bắt khách, đường phố thì lộn xộn. Ấy thế mà cấm xe dù hoạt động thì người ta lại gân cổ lên cãi rằng 'xa quá làm sao tôi ra bến xe mới được?'. Thử hỏi mấy người ở Quận 9, Thủ Đức... muốn đi về miền Tây, họ cũng phải ra bến xe miền Tây mà có kêu ca gì như với bến xe Miền Đông mới đâu?".
>> Ám ảnh xe khách 'rùa bò' 70 phút trên quãng đường 2 km
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, độc giả Gia Cát lại đánh giá nguyên nhân khiến xe dù được người dân sử dụng là do vị trí các bến xe bất hợp lý: "Vừa rồi, tôi đã trải nghiệm bến xe Miền Đông mới. Thú thật là tôi đã mất quá nhiều thời gian và mệt mỏi khi di chuyển. Tôi đi từ nhà ra bên xe Miền Đông cũ; ngồi chờ xe trung chuyển để ra bến xe Miền Đông mới mất hơn một tiếng; tuyến chạy lại không được đi đường cao tốc, chỉ đi đường quốc lộ 1A... Đó chính là lý do xe dù sẽ được mọi người ưa chuộng".
"Những người không phải di chuyển bằng xe khách thì sẽ thấy khó chịu với xe dù bến cóc. Nhưng thực tế, bến xe Miền Đông mới quá xa, vừa tốn tiền lại tốn thêm thời gian di chuyển nên người dân ít ủng hộ. Nói chung, cái gì cũng cần hợp lý, nhà xe cũng phải đóng thuế, nuôi nhân viên, chi phí đủ kiểu nên họ phải tìm mọi cách kiếm khách. Ai chịu bỏ biết bao nhiêu tiền để vào bến xe rồi ế khách. Hành khách không muốn vào bến thì làm sao duy trì được vận hành của xe? Thế nên, tôi cho rằng cần có một lộ trình hợp lý cho các xe khách thì đúng hơn", bạn đọc Xuan Cuong nói thêm.
"Làm gì để xử lý tình trạng xe dù, bến cóc?", độc giả Trungnguyen nhấn mạnh: "Bến xe mới quá xa trung tâm cũng có cái khó cho người dân. Đặc biệt là người dân các tỉnh ở xa lên khám bệnh, họ vốn không quen đường và mất nhiều chi phí, thời gian cho việc đi khám bệnh, nay bến xe lại xa vậy nữa thì họ lại càng chông chênh khi phải mất thêm thời gian và chi phí để đi vào trung tâm. Nếu thành phố giải quyết được vấn đề thuận tiện và dễ dàng, đảm bảo chi phí trong việc di chuyển ra vào trung tâm thì mới ổn. Nếu không, việc chuyển địa điểm bến xe này lại càng thêm nhiều khó khăn cho người dân".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.