Chiều 15/11, bốn ôtô khách cỡ lớn thuộc nhà xe Cao Lâm, Hùng Hiếu, Thảo Châu, xếp thành hàng trên đường Hùng Vương gần giao lộ Nguyễn Duy Dương (quận 5) chờ gom khách, bất chấp khu vực này cấm dừng xe. Các ôtô nổ máy, nháy xi nhan, mở sẵn cửa, dừng chờ gần một giờ rồi lăn bánh đi Bình Thuận, Tiền Giang, khi đã đủ khách. Đường Hùng Vương ba làn xe, song các ôtô này chiếm hết hai làn, khiến dòng phương tiện ở làn còn lại liên tục ùn ứ.
Cách đó khoảng 300 m, một đoạn đường Nguyễn Duy Dương trong cảnh lộn xộn, bát nháo khi các hãng Cúc Phương, Hải Duyên... công khai cho xe đậu dưới lòng đường chờ đón khách và nhận ký gửi hàng hoá. Những ôtô này đều hơn 30 chỗ, đậu choán hơn nửa mặt đường, trong khi vỉa hè phía trên bị các nhà xe chiếm trọn cho khách đứng chờ và tập kết hàng. Khu vực này chủ yếu xe chạy tuyến Đồng Nai, Tiền Giang.
"Thay vì tốn nhiều thời gian, mất thêm tiền đi xe ôm, taxi đến bến thì đón ở đây tiện hơn bởi chỉ cần gọi điện đặt trước là nhà xe sẵn sàng phục vụ", bà Bùi Thanh, quê Bình Thuận, nói lý do khi không lựa chọn vào bến mua vé.
Cũng tại quận 5, từ khuya đến rạng sáng mỗi ngày tại khu vực đường Lê Hồng Phong, Trần Bình Trọng, nhiều xe của hãng Thành Bưởi đón khách đi Đà Lạt, dù không được phép. Nhiều thời điểm ôtô giường nằm của nhà xe này đậu thành hàng 4-5 chiếc, gần đó hàng chục khách đứng, ngồi, mang hành lý, làm huyên náo cả khu vực. "Vài hôm nay lực lượng chức năng hay kiểm tra nên nhà xe hạn chế đón khách, còn bình thường nơi này không khác bến xe thu nhỏ, ồn ào, mất trật tự", bà Phạm Xuân, nhà bên đường Trần Bình Trọng, nói.
Chính quyền quận 5 cho biết trên địa bàn hiện có 95 đơn vị kinh doanh vận tải, nên tình hình trật tự đô thị phức tạp. Địa phương cũng là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn ở TP HCM như Chợ Rẫy, Nhiệt Đới, Đại học Y Dược, Phạm Ngọc Thạch. Mỗi ngày hàng nghìn người từ các tỉnh, thành khác đón xe đến khám chữa bệnh. Đây là một trong lý do nhiều nhà xe tập trung tới nơi này lập văn phòng, nhận đón trả khách. Gần một năm qua, quận 5 đã kiểm tra, xử phạt khoảng 1.600 trường hợp vi phạm với hơn một tỷ đồng.
Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Võ Khánh Hưng, "xe dù, bến cóc" ở thành phố tồn tại nhiều năm qua, nhưng càng phức tạp sau khi dời phần lớn các tuyến cố định từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) qua bến mới ở TP Thủ Đức. Địa điểm mới xa trung tâm, đi lại chưa thuận lợi, nên nhiều nhà xe không chấp hành dời sang hoạt động mà ra ngoài đón khách.
Hiện, TP HCM có 58 doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định với gần 1.600 xe; hơn 1.350 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch, với gần 91.000 ôtô. Trong đó, ôtô hoạt động ở 5 bến xe liên tỉnh tại thành phố, gồm: Miền Đông, Miền Đông mới, Miền Tây, An Sương, Ngã tư Ga, lộ trình không qua khu trung tâm. Những ôtô lớn ra vào nội đô chỉ xe chạy hợp đồng, du lịch, tuy nhiên nhiều hãng núp bóng kinh doanh theo dạng này để "chạy dù".
Sở Giao thông Vận tải TP HCM thống kê địa bàn có 76 địa điểm xe thường xuyên đón trả khách sai quy định, tập trung nhiều ở khu nội thành. Trong đó, quận 5 nhiều nhất với 25 điểm; quận 1 có 4 điểm, Bình Thạnh 2 điểm... Ngoài khu vực nội đô, dọc quốc lộ 1, 13... ở Thủ Đức, nhiều cây xăng cũng biến thành các "bến cóc" khi cho ôtô vào dừng chờ rồi dùng các xe nhỏ chạy lòng vòng gom khách. Các địa điểm này tập trung taxi, xe ôm đến chèo kéo, tranh giành khách vừa ảnh hưởng giao thông và mất an ninh.
Đại diện Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết tình trạng xe hợp đồng lập bến, hoạt động như tuyến cố định ở thành phố đang gia tăng, dù chưa phải cao điểm đi lại dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, đơn vị gặp khó bởi khi kiểm tra hầu hết các xe đều xuất trình đủ giấy tờ như hợp đồng, phiếu đặt chỗ nên đa số chỉ xử lý được các vi phạm về dừng, đỗ. Thanh tra giao thông không được phép truy đuổi khi xe vi phạm nên rất khó xử lý.
Tuy vậy, theo lãnh đạo một bến xe trên địa bàn thành phố, việc xử lý tình trạng "xe dù, bến cóc" không khó bởi đã có quy định và hướng dẫn. Ngoài ra thông qua thiết bị giám sát hành trình, nhà chức trách ghi nhận xe đăng ký chạy hợp đồng nhưng lặp lại nhiều lần việc trả khách giữa đường, từ đó xác định vi phạm để xử lý. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp ở bến phản ánh không thể cạnh tranh nổi với xe "chạy dù" dưới danh nghĩa kinh doanh hợp đồng, du lịch. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều xe bỏ bến ra ngoài tăng cao.
TP HCM đã cấm ôtô dừng đậu ở nhiều tuyến đường nội thành, như một biện pháp hạn chế "xe dù, bến cóc". Một số "điểm nóng" cũng được gắn thêm camera phạt nguội ôtô, song kết quả chưa như kỳ vọng, chỉ giảm mỗi khi có đợt ra quân rồi tái diễn trở lại. Hiện, Sở Giao thông Vận tải đề xuất cấm xe giường nằm vào nội đô từ giữa tháng 12, được xem là giải pháp hạn chế "xe dù, bến cóc", giúp giảm ùn ở khu vực trung tâm.
Gia Minh