Đọc bài Làng Việt quy hoạch 'như khu Khải Hoàn Môn Paris', tôi đồng ý với tác giả rằng câu chuyện quy hoạch phường xã, đô thị ở ta còn chưa thực sự nghiêm túc. Hầu như xã, phường, thị trấn nào cũng có trưng biển quy hoạch nhưng thực tế việc quy hoạch đi từ trang giấy ra ngoài đời sống còn một khoảng cách khá xa.
Tôi cũng thỉnh thoảng lên Google map xem nhà cửa, quy hoạch của các tỉnh thành trong cả nước. Cũng rất ấn tượng trước quy hoạch của huyện Hoà Thành (Tây Ninh) và làng Tân Hà (Bảo Lộc, Lâm Đồng) như tác giả đã nhắc đến. Nhân đây tôi xin chia sẻ thêm một trường hợp khác mà ở đó đường xá, nhà cửa được quy hoạch theo kiểu bàn cờ, thẳng và đều tăm tắp như một lát cắt của siêu đô thị New York (Mỹ).
Đó là là xã Quý Lộc (Yên Định, Thanh Hoá). Đây là một xã nông nghiệp, dân số hơn 15 nghìn người, diện tích 13,56 km² nhưng quy hoạch rất bài bản và có tầm nhìn ngay từ khi thành lập.
Nhìn từ trên cao, xã này được quy hoạch như một bàn cờ khổng lồ. Các khối nhà vuông vức, đan xen nhau chạy dài. Ở đây không có những con đường, ngõ hẻm vòng vo. Các con đường ở xã đều được chia thằng tắp theo từng ô vuông vắn. Từ trục đường chính, các trục đường nhỏ đâm ngang thẳng tắp ra tạo thành một kết cấu quy hoạch hiện đại.
Nhìn lại nhiều nơi khác, sự phát triển cư dân, đường xá và nhà cửa phần lớn giống như kiểu "vết dầu loang". Chúng đều mang tính tự phát, bám theo những con đường lớn để hình thành nên không thực sự đồng bộ. Sau này theo thời gian nếu nơi đó phát triển nóng, dẫn đến tình trạng nhà ống siêu mỏng, hẻm cụt, hẻm chỉ rộng đủ cho một chiếc xe máy chui lọt.
Nói đâu xa, ngay ở Sài Gòn, Hà Nội cũng từng có những khu được quy hoạch giống kiểu bàn cờ như thế này. Nhưng do tốc độ phát triển, đô thị hoá quá nóng, chúng ta đã không giữ được lối quy hoạch này mà để đường xá, nhà cửa tự chen chúc nhau, trông rất lộn xộn.
Tôi nghĩ trong tương lai, các khu đô thị mới, hoặc khi mở rộng Hà Nội, Sài Gòn cần có quy hoạch kỹ lưỡng, chi tiết và bài bản theo kiểu ô bàn cờ này. Vì ưu điểm nổi bật của mô hình quy hoạch này là việc tạo ra sự thuận tiện, an toàn và giảm bớt ùn tắc khi tham gia giao thông, dễ dàng thay đổi mục đích sử dụng đất và là điều kiện để phát triển đa dạng nhiều ngành nghề. Lúc đó, chỉ cần đi qua một ô phố là lại gặp một ngã tư để có thể rẽ bất cứ hướng nào, dễ dàng về điều tiết giao thông, hạn chế tình trạng kẹt xe.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.