Một tài khoản Facebook vừa chia sẻ hình ảnh trên cao của ngôi làng Tân Hà, Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Thoạt nhìn, tôi thực sự rất ấn tượng với quy hoạch của ngôi làng này. Tìm hiểu kỹ hơn thì thấy ngay từ đầu, bản vẽ thiết kế làng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đã được những người đầu tiên đến lập làng chấp thuận.
Làng được thiết kế giống như một mạng nhện, điểm trung tâm, cũng là địa điểm cao nhất mà tất cả đều hướng về, là nhà thờ. Tương tự như khu vực Khải Hoàn môn ở Paris là nơi giao nhau của 12 đại lộ.
Qua ảnh vệ tinh Google map, tôi cũng có ấn tượng với một nơi được quy hoạch theo phong cách giống như thế. Đó là khu trung tâm huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh.
>> Cái chuồng bò ở nước Đức và rạp Hòa Bình ở Đà Lạt
Rõ ràng, khi quy hoạch một ngôi làng, một khu đô thị mới, nếu chịu khó nghiên cứu, thảo bản vẽ kỹ lưỡng thì những lợi ích mang lại là rất lớn.
Đầu tiên là về hình thức, những con phố chạy dọc và ngang sẽ cân đối, hài hoà hơn. Việc đánh số nhà cũng đồng nhất, quy củ hơn.
Thứ hai là về mặt thẩm mỹ, thành phố nhìn chỉn chu, có sức hút hơn.
Thứ ba là có một nơi là trung tâm đúng nghĩa, từ đó mọi công việc xây dựng, quy hoạch nhà ở sau này đều lấy đó làm mốc để tổng thể mọi thứ trở nên nhịp nhàng và hài hòa hơn.
Đây cũng là những điều tôi muốn đặt ra rằng, dường như việc quy hoạch đô thị của chúng ta hiện giờ tuy có bản vẽ nhưng dường như vẫn còn bất cập. Ví dụ khi phóng một con đường, nhà dân sẽ từ từ mọc lên xung quanh hai bên, sau đó sinh ra thứ gọi là "văn hoá nhà mặt tiền". Từ đây, những hẻm cụt, ngõ nhỏ vừa một chiếc xe máy chạy lọt xuất hiện. Có dịp đi máy bay nhìn từ trên cao nhìn xuống các khu đô thị ta sẽ thấy mái tôn, nhà ống chen chúc nhau...
Tuấn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.