Tôi đã có 20 năm lập nghiệp tại TP HCM, trong đó, hơn 10 năm tôi đi làm ở công ty trong trung tâm thành phố.
Lúc xưa, vì kinh tế không đủ nên tôi chọn mua nhà đất ở một huyện ngoại thành, chấp nhận đi một quãng đường gần 50km lẫn đi và về, mỗi ngày hơn 2 tiếng. Bây giờ, nhìn lại, tôi cảm thấy đây là một quyết định mang tính đánh đổi chính xác.
Nếu cứ cố bám trụ ở trung tâm, tôi nghĩ gia đình chỉ có thể ở trong một căn chung cư nào đó, chứ không phải nhà vườn rộng rãi và thoải mái như bây giờ.
>> 'Cây gậy và củ cà rốt' để phát triển xe buýt
Chứng kiến sự đổi thay của thành phố trong thời gian đó, tôi thấy mọi thứ phát triển không ngờ. Khu nhà tôi bây giờ cái gì cũng có, từ chung cư, cửa hàng tiện ích, quán ăn, quán nhậu, quán cà phê...
Mấy năm trước, khi dịch vụ đặt hàng online mới rộ lên, người quen của tôi chê: "Chú mua nhà ngoại thành, mỗi lần đặt hàng online bị các shop từ chối vì xa quá, hoặc muốn giao thì phải chịu thêm tiền". Vậy mà mới năm trước, gần nhà đã có một chi nhánh công ty giao hàng khai trương.
Tôi chấp nhận đi làm 50km mỗi ngày. Một số đồng nghiệp trẻ bây giờ cũng đang đi vào con đường của tôi. Họ cũng đi mấy chục km từ nhà đến công ty. Nhưng bây giờ họ chỉ ở những căn chung cư vài chục mét vuông, nằm xa tít trung tâm mà thôi. Bởi họ cũng như tôi, làm gì có đủ tiền mua nhà ở trung tâm, thậm chí là căn hộ bây giờ cũng chẳng mua nổi.
>> 'Xe máy sinh ra là để dành cho người Việt'
Chúng ta đều đang bàn đến quy hoạch và giãn dân. Nhưng có một nghịch lý là khi người dân chịu giãn ra ngoại thành rồi, nhưng chỗ làm thì vẫn còn mắc kẹt ở quanh quẩn khu vực trung tâm.
Hầu như các công ty, tập đoàn mới mở lại chuộng đặt trụ sở, văn phòng ở trung tâm hơn. Tất nhiên, ai cũng muốn công ty ở vị trí đông đúc để tiện giao dịch, uy tín của doanh nghiệp cũng tăng lên. Tuy nhiên, chính điều đó khiến cho việc giãn dân khó hơn vì không phải ai cũng chịu được quãng đường mấy chục km.
Nếu chấp nhận ở ngoại thành, họ sẽ đi làm mấy chục km mỗi ngày bằng xe máy. Sáng cùng nhau chạy ùa vào trung tâm. Chiều lại cùng nhau ùa về nhà ở những khu vực xa hơn.
Nếu không chịu được quãng đường đó, họ lại tiếp tục bám trụ ở trung tâm, chấp nhận ở trọ hoặc tìm cách mua căn chung cư. Giá nhà trung tâm lại đẩy cao, dân cư tập trung nhiều, ùn tắc nhiều.
Tôi cho rằng, bên cạnh việc nhắc đến phương tiện công cộng nội đô thì một điều quan trọng cần phát triển là phương tiện kết nốt trung tâm và ngoại thành. Khi việc di chuyển từ ngoại thành vào trung tâm dễ dàng hơn, bằng xe buýt hoặc metro, thì mới có thể kêu gọi giãn dân. Người dân chịu khó ra ngoại thành, sẵn sàng dùng phương tiện công cộng để giảm áp lực phương tiện cá nhân cho khu vực trung tâm.
Tôi đã đi xe máy hơn 10 năm hàng chục km để đi làm. Không lẽ thế hệ trẻ hơn cũng nối gót tôi?
Huỳnh Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.