Chuyến bay số hiệu 4978 của hãng hàng không Ryanair khởi hành từ Athens, Hy Lạp, để tới thủ đô Vilnius của Litva sáng 23/5 phải chuyển hướng đến Minsk, Belarus, sau khi Tổng thống Alexander Lukashenko ra lệnh cho tiêm kích buộc phi cơ của Ireland hạ cánh khẩn cấp. Nhà báo đối lập Belarus Roman Protasevich và bạn gái Sofia Sapega, hai trong số hơn 170 hành khách trên chuyến bay, sau đó bị bắt tại sân bay Minsk.
Belarus giải thích rằng động thái này nhằm đảm bảo an toàn cho chuyến bay sau khi nhận cảnh báo có bom trên khoang. Tuy nhiên, nhiều nước cáo buộc Minsk có hành vi "không tặc" với một máy bay châu Âu. Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhất trí ngừng các tuyến hàng không với Belarus và áp đặt thêm biện pháp trừng phạt kinh tế.
Đức sau đó tuyên bố Belarus sẽ phải "trả giá cay đắng" cho hành động này, trong khi Mỹ, Canada cùng nhiều nước châu Âu cũng lên tiếng chỉ trích gay gắt Tổng thống Lukashenko. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay sẽ tổ chức họp kín để thảo luận về hành động của Belarus, theo đề xuất của Pháp, Ireland và Estonia.
Giữa "bão chỉ trích" của phương Tây nhắm vào Belarus, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định vụ bắt nhà báo Protasevich không nên "bị đánh giá vội vàng và phải dựa vào các thông tin có sẵn". Moskva còn cho rằng phản ứng gay gắt của Washington và châu Âu "gây sốc", cáo buộc phương Tây tiêu chuẩn kép.
Giới quan sát cho rằng sự "bênh vực" của Nga với Belarus là điều đã được dự đoán từ trước, thậm chí các quan chức và chuyên gia phương Tây còn cho rằng Moskva đã "bật đèn xanh" cho Minsk trong vụ chuyển hướng máy bay này.
Đối với Belarus, Nga là đối tác kinh tế - chính trị mạnh mẽ, một bên ủng hộ nhiệt tình chính quyền Tổng thống Lukashenko, người đã bước sang năm cầm quyền thứ 27. Ngược lại, Belarus tạo cơ hội cho Nga gây ảnh hưởng trong khu vực, đồng thời đóng vai trò như bức tường thành, giúp ngăn châu Âu tiếp cận những vùng lãnh thổ Liên Xô cũ, như Ukraine.
Hồi tháng 9/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho Belarus vay 1,5 tỷ USD và nhất trí thúc đẩy thương mại song phương. Đây được coi là động thái thể hiện sự ủng hộ người đồng cấp Lukashenko sau cuộc bầu cử gây tranh cãi vào tháng 8/2020, kéo theo nhiều tuần biểu tình bạo lực trên đường phố. Lukashenko tuyên bố tái đắc cử với hơn 80% phiếu bầu, nhưng phe đối lập ở Belarus và EU không công nhận kết quả, cho rằng cuộc bỏ phiếu bị gian lận.
Đây là lý do giới phân tích tin rằng Belarus đã nhận được cái gật đầu từ Nga trước khi thực hiện hành động táo bạo là ép một máy bay châu Âu hạ cánh để bắt nhà báo đối lập.
"Lukashenko giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào Putin, nên sẽ không mạo hiểm mối quan hệ với Điện Kremlin bằng cách thực hiện một động thái bất cẩn như vậy, trừ khi đã được Tổng thống Nga đồng ý", Timothy Ash, chuyên gia lịch sử thuộc Đại học Yale của Mỹ, đồng thời là chiến lược gia cấp cao, nhận định.
Trong khi đó, Điện Kremlin bác bỏ mọi bình luận rằng Nga liên quan đến vụ ép chuyến bay của Ryanair hạ cánh. Phát biểu trước báo giới hôm 25/5, phát ngôn viên Dmitry Peskov cho biết Moskva đã bị cáo buộc bừa bãi về mọi thứ, nói thêm rằng giới phê bình đã để tâm lý thù ghét Nga ảnh hưởng đến những nhận định của họ.
Bất chấp điều đó, Emre Peker, giám đốc khu vực châu Âu của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, chỉ ra rằng vụ chuyển hướng máy bay Ryanair có khả năng mang lại lợi ích cho Nga, bằng cách đẩy Belarus xích lại gần họ hơn. "Moskva có thể hoan nghênh việc này như một diễn biến khiến quan hệ lạnh nhạt giữa Belarus và phương Tây thêm trầm trọng", Peker đánh giá.
"Trong khi đó, những cáo buộc nhắm vào Nga sẽ làm phức tạp thêm khả năng đối phó Belarus hiệu quả của EU. Đức có thể thúc đẩy EU phản ứng mạnh mẽ nếu nhà báo Protasevich không được thả, nhưng họ khó có thể đụng chạm đến đường ống khí đốt Nord Stream 2 giữa Nga và Đức", Peker phân tích.
Matthew Sherwood, nhà phân tích cấp cao về châu Âu của nhóm Cơ quan Tình báo Kinh tế tại Anh, nhận định vụ chính quyền Lukashenko bắt nhà báo đối lập còn cho thấy "các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng yếu ớt như thế nào đến nền chính trị Belarus".
"Sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vào tháng 8/2020, dẫn đến những cuộc biểu tình kéo dài, Belarus đã phải hứng thêm nhiều lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kinh tế và chính trị không ngừng từ Nga, Lukashenko và đồng minh vẫn có thể dập tắt phong trào của phe đối lập trong nước và các cuộc biểu tình phần lớn đã lắng xuống", Sherwood cho hay.
"Chúng tôi dự đoán làn sóng trừng phạt mới của phương Tây sẽ không tạo ra thêm bất kỳ tác động thực sự nào đến tình hình nội bộ Belarus, chưa kể đến việc chúng thậm chí có khả năng khiến Belarus gắn bó với Nga hơn", ông nói thêm.
Một trong những trụ cột trong quan hệ Nga - Belarus là sự phục thuộc về kinh tế vào nguồn dầu thô giá rẻ của Moskva. Nga bán cho Belarus nguồn dầu thô dưới giá thị trường, đổi lại, Minsk sẽ lọc số dầu này và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nguồn lợi từ hoạt động này chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của Belarus.
Dù vậy, quan hệ song phương trải qua nhiều thăng trầm trong hai thập kỷ qua. Trong thập niên 2000, Lukashenko đã tìm cách khẳng định vị thế của mình bằng cách xích lại gần hơn với phương Tây và xa rời Nga hơn. Điều này khiến Điện Kremlin không khỏi phiền lòng.
Hai nước cũng thường xuyên bất đồng về các thỏa thuận dầu khí. Khi hai bên không thể nhất trí về giá dầu thô mới vào cuối năm 2019, Nga đã cắt nguồn cung cho Belarus. Vài tháng sau, Belarus đặt hàng lô dầu thô đầu tiên từ Mỹ, trong nỗ lực cho Nga thấy rằng họ có thể sống sót mà không cần sự hỗ trợ từ Moskva và sẵn sàng hướng về phía phương Tây nếu cần thiết.
Nhưng sau sự cố chuyển hướng máy bay khiến châu Âu giận dữ, kịch bản này càng trở nên xa vời. Một số nhà phân tích đánh giá chính quyền Lukashenko ngày càng trở nên khó đoán, dường như được thúc đẩy nhờ quan hệ khăng khít với Nga. Nigel Gould-Davies, cựu đại sứ Anh tại Belarus, chỉ ra sự cố với chuyến bay của Ryanair, một diễn biến gây bất ngờ, là bằng chứng rõ ràng cho nhận định này.
"Sự cố đặt ra phép thử lớn đối với EU và phương Tây", chuyên gia Ash đánh giá. Gould-Davies cũng lưu ý các nước khác, đặc biệt là Nga, sẽ dõi theo phản ứng của EU một cách chặt chẽ.
Ánh Ngọc (Theo CNBC)