Chuyến bay 4978 của hãng hàng không Ryanair chở 171 người khởi hành từ Athens, Hy Lạp, sáng 23/5 đang hạ độ cao, chuẩn bị đáp xuống thủ đô Vilnius của Litva thì tổ lái thông báo sẽ chuyển hướng tới thủ đô Minsk của Belarus. Không có lời giải thích nào được đưa ra.
Dữ liệu từ trang theo dõi hành trình FlightRadar24 cho thấy phi cơ sắp hoàn tất hành trình dài 2 tiếng rưỡi thì đột ngột quay đầu khi chỉ cách biên giới Belarus - Litva khoảng hai phút bay.
Các hành khách phát hiện dấu hiệu bất thường đầu tiên khi chiếc Boeing 737-800 đột ngột hạ độ cao chỉ 10 phút trước khi dự kiến đáp xuống Vilnus. "Tất cả đều hoảng sợ, chúng tôi nghĩ máy bay sắp rơi. Nó gần như bổ nhào, phi cơ hạ độ cao rất nhanh và rung lắc mạnh. Tôi chưa bao giờ trải qua điều này. Tất cả đều bị sốc", hành khách Raselle Grigoryeva nhớ lại.
Ngay khi nghe thông báo máy bay sẽ đáp xuống Minsk, Roman Protasevich, nhà báo đối lập bị Belarus truy nã, lập tức rời khỏi ghế và lấy hành lý của mình, theo lời kể của các hành khách trên máy bay. Protasevich đưa laptop và điện thoại của mình cho bạn gái.
"Anh ta bắt đầu hốt hoảng và nói rằng mọi chuyện đều do mình", Monika Simkiene, hành khách Litva trên chuyến bay, cho hay. "Người này không gào thét nhưng tỏ ra rất hoảng sợ. Nếu mở được cửa sổ thì anh ta chắc chắn đã nhảy khỏi máy bay", Edvinas Dimsa, một hành khách khác, nói thêm.
Sau khi phi cơ hạ cánh, giới chức Belarus khám xét, bắt Protasevich và bạn gái. "Anh ấy run rẩy khi bị các sĩ quan áp giải khỏi máy bay. Chúng tôi hỏi điều gì đang xảy ra và anh ấy nói rằng 'án tử đang chờ tôi'", một hành khách nhớ lại.
Grigoryeva nói rằng lực lượng an ninh Belarus đã kiểm tra đồ đạc và khám người toàn bộ hành khách sau khi đưa họ vào một căn phòng được canh gác. "Chúng tôi không biết liệu mình được về nhà không. Tất cả bị giữ như tù nhân", cô cho hay.
Khoảng 50-60 sĩ quan an ninh đã kiểm tra máy bay suốt hơn hai tiếng, nhưng không tỏ ra vội vã và không tìm thấy thứ gì khả nghi.
Một số hành khách đề cập khả năng từ chối lên máy bay cho đến khi Protasevich được thả, nhưng quyết định không làm vậy vì sợ bị bắt. Chuyến bay tiếp tục hành trình sau hơn 8 tiếng chờ đợi ở Minsk và đáp an toàn xuống Vilnius.
Hãng hàng không Ryanair cho biết tổ lái được thông báo về "mối đe dọa an ninh tiềm tàng trên máy bay" khi đi qua không phận Belarus và được lệnh chuyển hướng đến Minsk.
Giới chức Belarus cho biết quyết định được đưa ra sau khi nhận được cảnh báo về nguy cơ đánh bom, nhưng không có thiết bị nổ nào được tìm thấy trên phi cơ. Cơ quan điều tra Belarus thông báo đã mở cuộc điều tra hình sự vì hành động dọa đánh bom.
Văn phòng báo chí của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết ông đã yêu cầu triển khai tiêm kích MiG-29 để hộ tống máy bay Ryanair. "Mệnh lệnh rất rõ ràng là khiến phi cơ quay đầu và hạ cánh", thông cáo của cơ quan này có đoạn viết.
Tadeusz Giczan, thành viên hãng tin Nexta, nơi Protasevich từng làm việc, cho biết có sĩ quan an ninh Belarus trên chuyến bay. "Khi phi cơ tiến và không phận Belarus, người này đã tranh cãi với thành viên tổ bay và khẳng định có chất nổ trên phi cơ", Giczan nói.
Phát ngôn viên công ty quản lý sân bay Litva Lina Beisine cho biết nhận được thông tin từ Minsk rằng chuyến bay phải chuyển hướng "vì xung đột giữa một thành viên tổ lái và các hành khách".
Nhiều quốc gia đã lên án hành động của giới chức Belarus. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ áp loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với những quan chức, cá nhân liên quan tới vụ ép máy bay hạ cánh khẩn cấp cùng những doanh nghiệp tài trợ cho Belarus và lĩnh vực hàng không nước này.
Các lãnh đạo EU cũng kêu gọi máy bay của khối "tránh không phận Belarus" và đồng ý thông qua các biện pháp cần thiết để cấm hãng hàng không Belarus bay qua không phận EU cũng như tiếp cận các sân bay EU, giáng đòn mạnh vào ngành hàng không nước này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án mạnh mẽ hoạt động bắt nhà báo đối lập Protasevich của Belarus, gọi đây là "sự coi thường tới các thông lệ quốc tế". Ông hoan nghênh các biện pháp trừng phạt của EU, nói thêm rằng các cố vấn của ông đang đánh giá "phương án phản ứng phù hợp".
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong khi đó cho biết hành động của chính quyền Belarus "chưa từng có tiền lệ" và "không thể tin nổi".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định vụ Belarus bắt nhà báo Protasevich không nên "đánh giá vội vàng và phải dựa vào các thông tin có sẵn". Ông cũng chỉ ra các sự cố trước đây liên quan tới việc Áo buộc chuyến bay chở Tổng thống Bolivia Evo Morales hạ cánh năm 2013.
Protasevich, 26 tuổi, từng làm việc cho hãng tin Ba Lan Nexta và phát nhiều hình ảnh về những cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi năm ngoái qua ứng dụng Telegram. Nhà báo này bị truy nã tại Belarus với cáo buộc khủng bố, tổ chức bạo loạn và kích động thù ghét xã hội.
Những cuộc biểu tình ở Belarus kéo dài hơn 6 tuần hồi giữa năm ngoái sau khi Lukashenko, người cầm quyền 26 năm, tuyên bố tái đắc cử với hơn 80% phiếu bầu. Phe đối lập ở Belarus và EU không công nhận kết quả bầu cử, cho rằng cuộc bỏ phiếu bị gian lận.
Vũ Anh (Theo Reuters, Guardian, AFP)