Nhà ở bình dân ở Việt Nam đang gần như "tuyệt chủng". Theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và Savills, nhà ở vừa túi tiền giá dưới 2 tỷ đồng/căn chỉ còn 3% tổng cung trên thị trường. Hiệp hội Bất động sản TP HCM công bố, năm 2023 nhà ở bình dân dần biến mất tại đô thị lớn nhất cả nước. Trong khi giá nhà tăng chóng mặt, biến Hà Nội thành một trong những nơi có giá nhà đắt đỏ và khó sở hữu nhất thế giới.
Nói về câu chuyện thiếu nhà ở bình dân, độc giả EMP nêu quan điểm: "Dù có tăng số lượng nhà xã hội thì vấn đề là giá của chúng cũng chẳng đứng yên đợi người dân. 20 năm trước, một căn chung cư vùng ven Sài Gòn có giá tầm 700 triệu đồng. Nhưng một người lao động phổ thông, để dành 15 năm được chừng đó tiền thì căn hộ kia lúc này dù đã xuống cấp vẫn có giá tăng gấp ba lần.
Một thứ thiết yếu như nhà ở, đáng lý ra phải đa dạng, nhiều phân khúc giá để bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận bằng thu nhập của chính họ, thế nhưng nay ở ta lại chẳng được. Thử hỏi xem, có ai chỉ với lương gấp đôi mức tối thiểu vùng, nếu không vay nợ, không trúng số, không thừa kế, không kinh doanh, không có gia đình hay đối tác hỗ trợ... mà mua được nhà không? Đó là một điểm rất vô lý.
Cá nhân tôi cho rằng, tăng số lượng nhà ở xã hội chỉ là xử lý phần nổi. Còn sâu xa hơn, bất động sản, nhà ở cần một cơ chế quản lý đặc thù để bình ổn giá, riêng phân khúc bình dân cần tách khỏi cơ chế thị trường. Ngoài ra, cần định hướng người thích sinh lời bằng nhà đất đầu tư vào bất động sản thương mại để tạo thêm giá trị cho xã hội. Không thể để họ mua đi bán lại lòng vòng một căn nhà cấp bốn chỉ nhằm đẩy giá chứ chẳng ai vào ở".
Đồng quan điểm về nguyên nhân khiến giá nhà ở tại Việt Nam tăng cao, bạn đọc Antony nhận định: "Giá nhà ở Việt Nam cao là do nạn đầu cơ chứ không phải do thiếu nguồn cung. Giá nhà hiện nay là giá giao dịch của những người đầu cơ trục lợi chứ không phải giá nhà mua để ở. Do đó, giải pháp quan trọng nhất là ngăn chặn nạn đầu cơ bằng cách đánh thuế những cá nhân có nhiều bất động sản, ngăn chặn dòng tiền chảy vào bất động sản.
Nếu cứ xây thêm nhà nhưng giá cao đến mức người dân không mua nổi thì cuối cùng chúng lại rơi vào tay giới đầu cơ mà thôi. Như vậy, xây bao nhiêu cho đủ? Tình trạng nhà ở bỏ hoang trong khi nợ bất động sản đe dọa nền kinh tế là bài học của các nước trên thế giới hiện nay".
Độc giả Bao bổ sung thêm: "Không thể tách bất kỳ loại hình kinh doanh nào khỏi cơ chế thị trường vì việc này chỉ làm tăng nhu cầu và giảm nguồn cung. Giải quyết những vấn đề tiêu cực của thị trường phải bằng các cơ chế về thuế và luật. Nên có các loại thuế để đánh vào những khu đất, nhà đô thị mà chủ đầu tư không đưa vào sử dụng sau sáu tháng, một năm, hai năm... Đồng thời, cũng cần tính đến việc giảm thuế cho những người mua và xây nhà ở xã hội.
Nếu người mua nhà ở xã hội mà bán lại trong thời gian càng ngắn thì các loại thuế phải càng tăng, để triệt tiêu hoàn toàn lợi nhuận từ việc mua đi bán lại chứ không nên cấm người mua nhà ở xã hội mua bán. Bên cạnh đó, nên đơn giải hóa các loại thủ tục về đầu tư xây dựng với nhà ở xã hội. Và cuối cùng là tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng hơn với tất cả những người có nhu cầu mua nhà chứ không nên chỉ nhìn vào lương hay thu nhập. Làm được như vậy, tôi tin chúng ta sẽ giải quyết được bài toán nhà ở cho người dân".
Việt Thành tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.