Ở Việt Nam, tôi thấy người ta hay lấy giá nhà chia cho thu nhập rồi kết luận số năm cần có để mua nhà và cho rằng người trẻ không có khả năng mua nhà vì giá bất động sản cao vô lý. Theo tôi như vậy không chính xác. Truyền thống của người Việt là cha mẹ hai bên thường cho con cái một phần hoặc toàn bộ tiền mua nhà sau khi kết hôn. Thế nên, việc mua nhà ở Việt Nam thực ra dễ hơn nhiều so với ở các nước Âu - Mỹ.
Tôi thấy nhiều người làm văn phòng, thu nhập chỉ 10-15 triệu đồng một tháng nhưng khi về già, khi con cái lập gia đình, họ vẫn cho chúng tiền tỷ để mua nhà. Thậm chí, có các trường hợp, bố mẹ bán nhà, dọn ra vùng xa hoặc nhà nhỏ hơn để dành tiền cho con mua nhà riêng. Vì được hai bên gia đình cho ít nhiều, nên các cặp vợ chồng chỉ cần cố gắng phần còn lại là đủ tiền mua nhà. Không ít vợ chồng trẻ mới ngoài 30 tuổi đã mua được nhà TP HCM, Hà Nội mà không cần trả góp cũng là vì như vậy.
Mấy người bạn Mỹ của tôi rất ngạc nhiên vì điều này. Văn hóa Mỹ thường tiền đời nào đời nấy xài, rất ít có chuyện bố mẹ tiết kiệm hay sống kham khổ, thậm chí bán nhà đang ở để giúp con mua nhà riêng. Nên người trẻ phương Tây hầu hết phải "tự bơi". Bố mẹ làm cả đời để trả nợ nhà, nợ thẻ tín dụng mãi mới xong, rồi ăn tiêu, hưởng thụ hết, nên thừa kế cũng chẳng được bao nhiêu. Kể cả thừa kế tương đối thì thế hệ sau cũng tiêu hết chứ không có nghĩa vụ phải để dành cho thế hệ sau nữa.
Ở Việt Nam, tỷ lệ có nhà lên tới 90% dân số, trong khi Âu - Mỹ chỉ 50-66 %. Người dân ở các thành phố lớn tại châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... hầu hết đều không mua nổi nhà. Nước nào thì các thành phố lớn cũng có giá nhà trên trời, phần đông người dân không thể mua được. Không có chuyện tập trung 8-10 triệu dân vào một thành phố rồi năm nào cũng có lượng lớn người đổ về mà đòi hỏi giá nhà rẻ, ai cũng có nhà.
>> Đã hết thời 'cứ mua đất là lời'
Ở các nước phát triển, các thành phố lớn đông dân nhất, một triệu USD chỉ mua được căn hộ vài chục m2 hoặc nhà phố nhưng diện tích nhỏ, khu vực phức tạp, kém an ninh. Ở Đông Nam Á đỡ hơn, nhưng giá nhà trung bình của Bangkok (Thái Lan) cũng là 400.000 USD, hơn hẳn giá nhà trung bình của toàn nước Mỹ dù GDPp đầu người của Thái Lan chỉ bằng 1/15 Mỹ. Hay như cùng một số tiền mua một căn nhà ở Jakarta (Indonesia) có thể mua ba căn nhà trung bình ở Mỹ dù thu nhập đầu người Indonesia chỉ bằng 1/20 Mỹ.
Bên Mỹ, ở thành phố lớn như New York hay San Francisco, thu nhập trung bình đủ ăn đã là may rồi, còn mua nhà chỉ có nằm mơ, hết đời cũng không mua nổi chứ đừng nói 35-40 năm. Theo tôi, vấn đề không nằm ở thu nhập mà là ở mật độ dân số. Dân số Việt Nam luôn trong top thế giới, lại tập trung gần 20 triệu dân vào hai thành phố lớn nhất, nên chuyện quá tải sẽ luôn diễn ra.
Muốn giải quyết vấn đề nhà ở tại Hà Nội, TP HCM theo tôi chỉ có cách giãn bớt dân ra ngoại thành. Bản thân những người lao động cũng cần tính toán phương án phù hợp cho mình thay vì cố lao vào nội đô. Ai không đủ khả năng có thu nhập cao thì nên về quê, các thành phố trung bình hoặc nhỏ để sinh sống sẽ thấy dễ thở hơn. Cứ bon chen vào các thành phố lớn - nơi đầy nhân tài, cạnh tranh khốc liệt làm gì rồi lại than thở giá nhà cao quá tầm với.
Lê Tùng
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.