Gần đây nổ ra một cuộc tranh luận về chuyện "vợ quản hết tiền của chồng", tôi cũng xin chia sẻ một câu chuyện của một người bạn để đóng góp thêm một góc nhìn cho quý độc giả:
Khi Khải gia nhập vào đội ngũ nhân viên kỹ thuật của công ty tôi (chuyên về bán sản phẩm chiếu sáng), anh em đồng nghiệp đã thấy vừa gần gũi nhưng cũng vừa xa cách. Khải là người hiền lành, vui tính, dễ hòa đồng, luôn có tinh thần trách nhiệm. Nhưng cứ mỗi lần có chuyện đụng tới việc chi tiền, thì y như rằng cậu ta tìm cách lẩn trốn.
Mà cũng chẳng phải nhiều nhặn gì, khi thì ly cà phê cóc trong khi chờ lắp đặt thiết bị cho khách, hoặc cùng anh em trong công ty kêu nước uống giữa trưa nắng nóng, Khải cũng đều từ chối. Sau này, mọi người mới phát hiện ra: Khải không được chủ động trong chuyện tiền bạc, mặc dù lương khá cao.
Vợ Khải vốn là người chi ly tính toán trong gia đình, từ chuyện trả tiền trọ, tiền ăn uống sinh hoạt hàng tháng, tiền học cho đứa con nhỏ. Không đến nỗi phải phát tiền hàng ngày, nhưng cô vợ của Khải sau khi thu đủ lương từ chồng thì phát... "tiền cữ" theo tuần: cứ 200.000 đồng một tuần cho khoản đổ xăng, chi tiêu lặt vặt... Cô vợ phân tích: "Ăn sáng ở nhà, cà phê và đồ ăn trưa thì làm sẵn mang theo, vậy thì đem nhiều tiền để làm gì? Đàn ông khi có nhiều tiền trong túi dễ sinh ra tụ tập, rồi nhậu nhẹt, vừa tồn tiền vô ích, vừa hại sức khỏe".
Vậy là suốt nhiều tháng trời, mặc cho anh em cùng nhóm kỹ thuật tác động, khích tướng, Khải cũng không thể xoay chuyển tình thế, vẫn khổ sở với khoản tiền ít ỏi trong túi. Nhiều lúc, cậu phải chạy ngược xuôi ngoài đường nhiều, hết xăng mà không còn tiền, nên phải chạy vạy mượn tạm anh em, thậm chí không ít lần phải đẩy bộ về nhà. Nhưng cô vợ cứ kiên quyết thực hiện kế hoạch của mình.
Thực ra, đôi khi Khải cũng có những khoản nho nhỏ do khách bồi dưỡng thêm, tâm dăm ba chục ngàn, cũng chẳng bõ bèn gì. Nhưng cứ mỗi lần vậy, Khải lại phải khổ sở tìm cách giấu giếm để khỏi phải bị vợ trừ vào "tiền cữ". Anh em trong công ty cũng hay giúp đỡ bằng cách cất giùm, tạo thành "quỹ đen" nho nhỏ, trị giá tích lũy khi cao nhất cũng chưa tới một triệu đồng. Nhưng Khải như "chim sợ cành cong", cũng chẳng dám tiêu xài gì.
Có những dịp tụ tập gia đình nhân viên trong công ty, cả sếp và anh em đều nhẹ nhàng phân tích, khuyên bảo và xin xỏ để cho Khải rủng rỉnh hơn về tiền bạc, nhưng cô vợ cậu đều lạnh lùng bác đi: "Chuyện gia đình tụi em tự lo liệu được". Và sau đó, có vẻ Khải còn bị vợ chì chiết và bị trừng phạt khổ sở hơn, khiến anh em cũng ngán ngẩm giùm.
>> 'Tôi hạnh phúc dù mỗi tháng phải nộp lương cho vợ 40 triệu đồng'
Có lẽ mọi việc sẽ vẫn cứ tiếp diễn đều đều như thế nếu như không có một biến cố vào một ngày gần cuối năm. Khải không may gặp liên tiếp hai sự cố bất ngờ, trong đó có một chuyện liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của cậu.
Số là đơn hàng cuối năm nhiều, dồn dập, đòi hỏi các bộ phận phải tăng tốc, đi đi lại lại như con thoi. Với mọi người là chuyện bình thường, nhưng với Khải, trong một đợt giao hàng, hết xăng giữa đường mà trong túi không còn đồng bạc. Thế là cậu vừa mếu máo, cực khổ đẩy xe dắt bộ suốt quãng đường dài với hàng hóa nặng trên xe, vừa làm trễ kế hoạch lắp cho khách, ảnh hưởng đến những bộ phận khác. Sếp rất tức giận, tuyên bố: "Công ty đã trả đủ tiền xăng xe, nếu vì những lý do vô lý như thế này sẽ bị cắt bỏ tiền thưởng, thậm chí sẽ chấm dứt hợp đồng lao động".
Khi cô vợ Khải chưa ngấm hết hậu quả có thể xảy ra với chồng, thì không lâu sau đó một sự cố khác lại ập đến. Cũng do phải tăng ca sau giờ chiều, không có tiền ăn xế, uống nước bổ sung nên Khải bị ngất xỉu trên đường, được người dân đưa vào cấp cứu. Kết luận của bác sĩ, Khải bị suy kiệt do tụt đường huyết, phải nằm lại bệnh viện theo dõi thêm. Vợ Khải ôm cả con nhỏ, sau cả buổi chiều vất vả ngược xuôi tìm kiếm, đã bật khóc tức tưởi khi biết chuyện, có vẻ hối hận lắm.
Sau vụ việc này, sếp và các đồng nghiệp cùng ngồi lại với vợ Khải. Sếp vừa khuyên răn, phân tích đúng - sai và cả đe dọa về khả năng mất việc của Khải. Còn bạn bè đồng nghiệp cũng chỉ biết động viên rằng: "Chuyện vợ chồng không phải cứ muốn áp đặt kiểm soát là được. Cũng phải để cho cả hai có những khoản giao tế thông thường, những khoản tiền dằn túi. Và quan trọng hơn, đó là ý thức và trách nhiệm của người làm chồng, làm cha đối với gia đình của mình".
Và khi đó, tôi chỉ thấy cô vợ Khải ngồi im lặng và tiếp thu. Kết quả sau cùng, không rõ mỹ mãn tới đâu, nhưng từ đấy về sau, anh em bạn bè đồng nghiệp thấy Khải không còn quá âu lo với khoản "tiền cữ" hàng tuần mà vợ phát cho như trước đây nữa. Nhưng cũng không vì vậy mà Khải "vung tay quá trán", bởi từ trong bản chất, cậu vốn là con người sống có trách nhiệm.
Thế nên, tôi nghĩ mấy người vợ cũng đừng quá tính toán và có suy nghĩ "phát tiền cữ" cho chồng làm gì. Bởi cuộc sống vốn cần có sự tôn trọng lẫn nhau, cùng góp sức vun vén cho gia đình riêng của mình mà, phải không?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Tư tưởng 'vợ giữ hết lương chồng'
- 'Nghĩa vụ' nộp lương cho vợ
- Vợ chồng 40 năm nộp hết lương, thưởng vào quỹ chung
- Tiền vợ, tiền chồng - ai nên giữ?
- Nhà tôi để chồng giữ tiền
- 'Đàn ông lương thấp dễ bị vợ coi thường'