Lương chồng 10 triệu đồng, lương vợ 8 triệu đồng, mỗi tháng người chồng đưa cho vợ đúng 5 triệu đồng để tự lo các khoản chi tiêu trong gia đình và nuôi con cái. Đó là câu chuyện mà tác giả Thúy Loan chia sẻ trong bài viết "Chồng chỉ đưa tôi 5 triệu đồng mỗi tháng", kể về chính những rắc rối trong việc phân chia tài chính trong gia đình mình.
Ủng hộ quan điểm vợ, chồng chỉ đóng góp một phần thu nhập của mình cho sinh hoạt chung, độc giả Xonxauxa nhận định: "Mọi người không nên quá khắt khe với anh chồng trong câu chuyện trên. Nên nhớ anh chồng chỉ có 10 triệu đồng tiền lương, sau khi đưa một nửa lương của mình cho vợ, số tiền để chi tiêu cho cả gia đình là 13 triệu đồng (bao gồm cả lương vợ) - không phải là ít. Nếu người vợ vẫn thấy không đủ thì nên xem lại cách chi tiêu của mình. Đàn ông đi làm cũng phải dắt lưng ít tiền để tiêu lúc này lúc kia, giao lưu, giữ các mối quan hệ bên ngoài để phát triển bản thân, công việc, rồi còn tiết kiệm và đầu tư nữa chứ".
Trong khi đó, lựa chọn đưa toàn bộ lương cho nửa kia, bạn đọc Lolemtihon chia sẻ về những vấn đề rắc rối phát sinh: "Chồng kêu tôi đưa toàn bộ lương cho anh, khi tôi chi tiêu gì thì nói để anh phát lại, chứ bản thân anh không đứng ra chi tiêu. Mỗi tháng anh đưa cho tôi 2-5 triệu đồng, trong khi lương của tôi là 10 triệu. Hai con tôi đang học tiểu học, tôi chi tiêu sát sao, nhưng tháng nào cũng âm. Nhiều khi tôi muốn mua bộ quần áo mới cho con, nhưng cũng phải đắn đo lên xuống. Trong khi đó, chồng tôi luôn tự hào rằng nhờ anh làm vậy nên gia đình mới tiết kiệm được, làm được nhiều việc lớn. Chồng đâu biết rằng tôi đã chán ngấy cuộc sống phải 'đo lọ mắm, đếm củ dưa hành' này rồi".
Để tránh những tranh cãi, so đo hơn thua giữa hai vợ chồng, độc giả Huỳnh Ngọc Huynh lại quyết định đóng góp khoản tiền chung bằng nhau: "Hàng tháng tôi đưa cho vợ một khoản tiền bằng với lương vợ, coi như hai vợ chồng đóng góp quỹ chung bằng nhau để chi tiêu trong gia đình. Số tiền đó, tôi để vợ toàn quyền quyết định chi tiêu trong gia đình, bản thân không động đến khoản tiền đó. Còn các khoản chi tiêu cá nhân, tôi dùng tiền riêng (phần lương còn lại) như tiền xăng, cà phê, lâu lâu đi chợ, mua vật dụng trong nhà... Tôi luôn quan niệm rằng mình phải có khoản tiết kiệm riêng để còn trả nợ mua nhà".
>> 'Nghĩa vụ' nộp lương cho vợ
Thay vì đóng góp quỹ chung, bạn đọc Tuyết chọn phân chia các khoản chi hàng tháng: "Vợ chồng nên chia nhau phần chi tiêu sinh hoạt, chẳng hạn vợ lo chi phí ăn uống, điện nước, chồng lo tiền học cho con hoặc ngược lại. Cứ cộng các khoản chi trong tháng rồi chia ra cho tương ứng hai bên, sau đó việc ai người ấy chi cho khỏe. Còn phần tiết kiệm chung thì ai bỏ vào bao nhiêu sẽ ghi nhận bấy nhiêu, không muốn bỏ vào thì mạnh người nào người ấy tiết kiệm, khi cần chi các khoản lớn thì lại góp lại cùng nhau".
Cùng chung quan điểm về việc phân chia các khoản chi tiêu trong gia đình, độc giả Lê Thà bình luận: "Cứ chia ra hai khoản phải chi tương đương nhau, ví dụ:
- Khoản thứ nhất gồm: tiền sữa, tiền điện nước, tiền học hành cho con...
- Khoản thứ hai gồm: chi tiêu ăn uống, sinh hoạt cho cả nhà (tức là đi chợ nấu nướng...).
Sau đó, hai vợ chồng có thể tùy ý chọn một khoản mà mình sẽ chịu trách nhiệm. Làm như vậy vừa đảm bảo đóng góp cân bằng giữa hai vợ chồng, vừa không phải đưa hết tiền cho một người giữ rồi tranh cãi khi thấy không đồng đều".
Lê Phạm tổng hợp
>> Gia đình bạn phân chia tài chính thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.