Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm trong bài viết Nhà em có một ông nội: "Văn mẫu vốn không xấu, dạy bằng văn mẫu cũng không sai. Nhưng đánh giá, chấm điểm bằng cách yêu cầu học sinh thuộc các bài tham khảo lại là điều phản giáo dục, giết chết sự sáng tạo và tư duy độc lập".
Vấn đề là ở cách tiếp cận môn văn, cách ra đề, cách chấm điểm chứ không phải ở văn mẫu. Hãy cứ xem việc đọc văn mẫu cũng như là đọc những bài viết ngắn mà thôi.
Là một giáo viên tiểu học, tôi xin chia sẻ góc nhìn của tôi đối với văn mẫu. Ở lứa tuổi tiểu học, đa số các em học sinh không được đọc nhiều sách, ngoài sách giáo khoa.
Do vậy, vốn từ của các em khá hạn chế và khó khăn trong việc diễn đạt ý. Các em thường sẽ nói sao thì ghi vậy. Tất nhiên tôi phải giúp các em sửa chữa các câu văn lủng củng và hướng dẫn các em cách viết văn, thế nhưng tôi không thể phủ nhận vai trò của văn mẫu trong giai đoạn này.
Khi đọc các bài văn tham khảo, các em sẽ có thêm vốn từ đúng với chủ đề mà các em đang học cũng như biết cách dùng từ, đặt câu... gọi chung là biết cách hành văn, rồi áp dụng chúng vào bài văn của mình. Tôi xin ghi rõ là áp dụng, nghĩa là hiểu và vận dụng phù hợp chứ không phải là chép.
Văn mẫu không phải bắt buộc, các em thích đọc sách vẫn tốt hơn nhiều. Nhưng nếu việc đọc quá nhiều chữ và tự tìm sách để đọc nằm ngoài khả năng của các em thì đọc văn mẫu là một lựa chọn.
Không thể hoàn toàn không có "mẫu" trong dạy học được. Bất kỳ một kiến thức nào cũng cần có những ví dụ cụ thể, đó chính là "mẫu". Môn Văn cũng không ngoại lệ. Nhưng mà sau khi học xong kiến thức thì áp dụng như thế nào chính là khả năng tư duy, cảm nhận và sự sáng tạo của mỗi người. "Viết theo bài mẫu sẽ có điểm cao" là lỗi của người chấm.
Finok123
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.