Con tôi lý giải với mẹ rằng cháu không thấy cần thiết phải học thuộc lòng bài thơ kèm tiểu sử tác giả để lấy điểm.
Đó là câu chuyện cách đây nửa năm khi cậu học lớp 9 và đang trong thời gian luyện thi vào lớp 10. Văn là một trong các môn được chú trọng để thi đầu vào và cậu khá chật vật với môn học này, phần nhiều cũng do thái độ thiếu hợp tác với các yêu cầu của cô giáo. Trước sự bướng bỉnh của một đứa trẻ mới lớn - độ tuổi đã ít nhiều có chính kiến và đặc biệt rất thích thể hiện cái tôi - tôi hiểu, sẽ khó ép cháu làm điều mà cháu chưa tin là đúng đắn. Tôi chọn cách thỏa hiệp, gợi ý con đề xuất với cô thực hiện bài kiểm tra bằng một hình thức khác, không phải học thuộc lòng. Và cháu đồng ý.
Dù vẫn lo lắng cho điểm số của con, tôi ngầm đồng ý với cháu rằng, thuộc lòng không phải là điều cần thiết - đặc biệt là với môn học cần tới cảm xúc và cách đánh giá riêng như môn văn.
Một đồng nghiệp của tôi cũng chia sẻ, con chị không thích học văn, thậm chí còn có ý coi nhẹ môn học này. Một lần, con chị đọc cho cả nhà nghe đề kiểm tra, yêu cầu học sinh trình bày cảm xúc, suy nghĩ về một đoạn thơ. Cháu thở dài bình luận: "Nhưng lúc chấm, cô cứ chấm theo cảm xúc, suy nghĩ của cô cơ". Lần khác, khi thấy em gái đang vật vã với bài văn "tả ông", cháu đùa: "Nhớ mở đầu bằng câu Nhà em có một ông nội và kết thúc Em hứa sẽ ngoan ngoãn để ông vui lòng. Cháu còn dí dỏm dặn em: "Lần sau nếu cô yêu cầu tả bà nội, chỉ cần thay bà nội vào chỗ ông nội là được".
Đọc chép - học thuộc lòng - văn mẫu, tổ hợp phương pháp giảng dạy quen thuộc từ thế hệ chúng tôi đến nay vẫn tồn tại. Nhưng tôi đã thấy sự chuyển động rõ nét của người học. Khác với thái độ ngoan ngoãn nghe lời và làm theo văn mẫu của nhiều thế hệ trước, những đứa trẻ như con tôi bắt đầu nhận biết và phản ứng lại cách học lỗi thời này. Đây là một cơ sở để tôi hy vọng, nỗ lực chống lại tình trạng học thuộc, chép văn mẫu mà Bộ trưởng Giáo dục nhiều lần đề cập tới trong nhiệm kỳ của mình, sẽ tạo chuyển biến.
Kèm theo chủ trương này, hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong trường phổ thông - với ba nội dung chính - đều nhấn mạnh vai trò quyết định của người dạy trong việc chấm dứt tình trạng văn mẫu. Tôi cũng cho rằng người dạy là nguyên nhân chính, gốc của vấn đề.
Văn mẫu vốn không xấu, dạy bằng văn mẫu cũng không sai. Nhưng đánh giá, chấm điểm bằng cách yêu cầu học sinh thuộc các bài tham khảo lại là điều phản giáo dục, giết chết sự sáng tạo và tư duy độc lập. Sai lầm mang tính hệ thống kéo dài từ năm này qua năm khác do người dạy không đọc kỹ "hướng dẫn sử dụng văn mẫu" hoặc tệ hơn, không được hướng dẫn sử dụng văn mẫu.
Bài tham khảo có thể giúp học sinh nắm rõ cấu trúc bài văn hoặc các thành phần cần có trong một văn bản nào đó. Tuyệt đối không nên yêu cầu sao chép chi tiết cảm xúc, ý kiến trong văn mẫu. Đó phải là không gian của sự sáng tạo vô tận.
Ngoài yêu cầu đổi mới cách dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh, Bộ khuyến cáo giáo viên dùng ngữ liệu mới, tránh sử dụng văn bản trong sách giáo khoa. Theo tôi, đây là một hướng quan trọng mà nếu thực hiện theo cách phù hợp, sẽ giúp thầy cô và học sinh có nhiều không gian sáng tạo hơn, khuyến khích văn hóa đọc - vốn đang rất hạn chế trong các nhà trường.
Viết và nói là sản phẩm đầu ra, muốn viết và nói tốt phải có thông tin đầu vào thật tốt. Nhưng bọn trẻ thời nay, vốn đã mất dần thói quen đọc sách, do sự lấn át của các thiết bị thông minh, lại không được khuyến khích bởi các yêu cầu học tập hàng ngày.
Giáo viên dạy văn cũng thiếu cơ hội tiếp cận với các nguồn học liệu về giảng dạy, ít sử dụng môn văn trong cuộc sống như viết báo, nghiên cứu hay bình luận tác phẩm hoặc tham gia các khóa đào tạo nâng cao nhận thức, hiểu biết chuyên sâu, nên tư duy của họ, theo thời gian, dần bị đóng khung lại. Điều này dẫn đến việc hạn chế truyền tải được những giá trị mới cho học sinh.
Khi có chuyến thực địa trong hệ thống giáo dục Anh nhiều năm trước, tôi dành một ngày để học cùng trẻ lớp bốn của trường tiểu học Chilcote tại Birmingham. Hôm đó, những đứa trẻ học viết văn tường thuật. Cô giáo bắt đầu bằng một câu chuyện, bọn trẻ đọc và cùng phân tích các yếu tố trong bài theo nội dung câu hỏi, bao gồm câu chuyện xảy ra khi nào, ở đâu, nhân vật nào, bối cảnh gì, kết truyện thế nào, em cảm nhận gì. Tiếp đến, cô kể câu chuyện của cô và yêu cầu học sinh đặt câu hỏi. Bọn trẻ đặt các câu hỏi gần như xoay quanh những câu hỏi chúng đã được cùng cô phân tích ở hoạt động trước và mở rộng thêm theo cách nghĩ riêng của chúng. Đến hoạt động thứ ba, cô cho mỗi bạn một tình huống giả định và yêu cầu viết một bài văn tường thuật nếu mình là nhân vật trong tình huống đó.
Dù không có cơ hội do thời gian hạn hẹp, tôi đã ước gì mình được đọc mọi bài văn trong lớp học của lũ trẻ hôm đó. Tôi cũng tin, con trai tôi sẽ hứng thú với môn văn hơn, để cô giáo không phải yêu cầu phụ huynh hợp tác thúc giục, nếu ngay từ nhỏ cháu được dạy theo cách này.
Văn mẫu là sản phẩm của một nền giáo dục lỗi thời mà nếu không dứt bỏ được, khó nói tới những cải cách, đổi mới to lớn hơn.
Chu Thị Vân Anh