Bác sĩ chuyên khoa II Tạ Phương Dung (Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, bệnh thận mạn nguy hiểm đối với nhóm người bệnh đái tháo đường, huyết áp cao và bệnh lý cầu thận. Bệnh thận mạn có 5 giai đoạn. Suy thận mạn là giai đoạn 5 của bệnh thận mạn. Đây là giai đoạn nặng nhất với mức lọc cầu thận (GFR) < 15mL/ph/1,73 m3, biểu hiện bằng hội chứng urê máu cao. Tình trạng này sẽ gây tử vong, nếu không được điều trị thay thế thận. Người bệnh cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Bác sĩ Tạ Phương Dung cho biết thêm, trên thế giới có khoảng 3 triệu người bị suy thận mạn đang được điều trị thay thế thận và đang có khuynh hướng tăng nhanh. Trên thực tế, các biện pháp điều trị thay thế thận chỉ phổ biến ở các nước phát triển (chiếm tới 80%). Ở các nước đang phát triển, 10-20% người suy thận mạn được điều trị thay thế thận và thậm chí không được điều trị, dẫn đến tỷ lệ tử vong khá cao. 3 nhóm nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn trên thế giới là đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh cầu thận.
Cụ thể, các loại bệnh và tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến suy thận mạn bao gồm:
- Bệnh đái tháo đường loại I hoặc loại II
- Huyết áp cao
- Viêm cầu thận, tình trạng viêm ở các đơn vị lọc của thận
- Viêm kẽ thận, tình trạng viêm các ống thận và các cấu trúc xung quanh
- Bệnh thận đa nang, tình trạng các u nang xuất hiện khiến thận bị phì đại
- Sự tắc nghẽn kéo dài của đường tiết niệu do các bệnh như phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận và một số bệnh ung thư
- Trào ngược tình trạng khiến nước tiểu trào ngược vào thận
- Nhiễm trùng thận tái phát, còn được gọi là viêm bể thận
- Tình trạng dùng thuốc điều trị kéo dài, không kiểm soát chặt chẽ
"Tại các nước phát triển, tỷ lệ người suy thận mạn từ nguyên nhân đái tháo đường chiếm ưu thế. Nguyên nhân tại thận chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng tỷ lệ này sẽ cao hơn ở các nước kém phát triển", bác sĩ Tạ Phương Dung nói thêm.

Triệu chứng suy thận mạn
Người bệnh mắc bệnh thận mạn có thể không có biểu hiện lâm sàng cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Các triệu chứng thường xuất hiện phổ biến khi bệnh thận mạn ở giai đoạn 3-5. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, giảm khả năng lao động, giảm ham muốn tình dục. Cơ thể bứt rứt, ngứa gây ra, tăng sắc tố da kết hợp, dễ bị bầm, có nhiều mụn. Khi ăn, người bệnh mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn và có cảm giác có vị kim loại trong miệng. Rối loạn giấc ngủ, lơ mơ, hôn mê.
Khi độ lọc cầu thận giảm thận thấp dưới 5 ml/phút, người bệnh sẽ có 3 rối loạn chính. Tích tụ các chất thải, độc chất trong cơ thể, nhất là sản phẩm biến dưỡng của protein gây rối loạn thần kinh, viêm màng ngoài tim do urê huyết cao, lắng đọng urê huyết ở ngoài da. Chức năng khác của thận như điều hòa thăng bằng nội môi, nước điện giải, nội tiết tố.... mất dần. Phản ứng viêm tiến triển gây ra ảnh hưởng lên mạch máu và dinh dưỡng.
Các phương pháp xác định bệnh thận mạn
Để xác định tình trạng bệnh thận mạn, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm như: tổng phân tích tế bào máu, nhóm máu ABO, Rh... Thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng thận (BUN, creatinine), độ lọc cầu thận... Xét nghiệm bệnh lý nguyên nhân và các bệnh đi kèm như bệnh nội tiết, tiêu hóa... Các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cao cấp như chụp cắt lớp CT scanner, chụp cộng hưởng từ (MRI)... giúp tìm nguyên nhân nếu có thể.
Các bác sĩ sẽ dựa trên các tiêu chí đánh giá cụ thể để chẩn đoán mức độ giai đoạn của bệnh thận mạn. Theo bác sĩ Tạ Phương Dung, dựa vào độ lọc cầu thận (GFR) để đánh giá chức năng thận và xác định mức độ tổn thương thận, giai đoạn của người bệnh suy thận. Từ đó, bác sĩ xác định điều trị đúng, kịp thời và góp phần tiên lượng sống còn cho người bệnh.
Mục tiêu của điều trị suy thận mạn là nhằm chuẩn bị điều trị thay thế thận khi người bệnh tiến triển đến giai đoạn thận bị suy nặng; điều chỉnh liều dùng thuốc ở người bệnh suy thận; điều trị các biến chứng của hội chứng urê huyết cao như thiếu máu, suy dinh dưỡng, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa canxi - phospho, rối loạn nước điện giải, điều trị các biến chứng tim mạch và các yếu tố nguy cơ.

Tùy theo các triệu chứng bất thường ở người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhằm để người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Điều trị thay thế thận hiện đang được chỉ định: chạy thận nhân tạo (thẩm tách máu, lọc máu), lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) và ghép thận.
Bác sĩ Tạ Phương Dung chia sẻ thêm, chạy thận đúng cách sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp người bệnh sống lâu hơn. Hàng tháng, người được lọc máu sẽ được theo dõi quá trình điều trị bằng các xét nghiệm để xem xét tính hiệu quả của phương pháp này. Lọc màng bụng bằng máy cũng mang lại hiệu quả điều trị hơn cho người bệnh. Còn ghép thận là biện pháp phẫu thuật dùng để thay thế thận đã bị mất chức năng bằng quả thận khỏe mạnh, duy trì sự sống cho người bệnh. Nguồn thận sẽ được lấy từ người hiến tặng còn sống hoặc người đã chết não, chết tim (tim ngừng đập). Quá trình ghép thận cần có thời gian, vì việc tìm người hiến tặng tương đối phức tạp.
Với phẫu thuật ghép thận, người bệnh sẽ cần được theo dõi trong bệnh viện từ vài ngày đến vài tuần. Khi sức khỏe ổn định, người bệnh được xuất viện nhưng cần phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên để đảm bảo quá trình hồi phục vẫn đang tiếp tục. Người bệnh sẽ được dùng thuốc để chống thải ghép và giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật, chẳng hạn như nhiễm trùng. Sau khi ghép thành công, thận mới sẽ hoạt động và người bệnh không cần phải lọc máu nữa.
Ngọc An
Trung tâm Tiết niệu Thận học, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, Nội khoa và Ngoại khoa như TTƯT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, BS.CKII Tạ Phương Dung... Các chuyên gia, bác sĩ của trung tâm ứng dụng những kỹ thuật mới, phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý về thận và đường tiết niệu, giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế nguy cơ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám và điều trị suy thận mạn tại Trung tâm Tiết niệu Thận học, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh liên hệ:
- Tổng đài 0287 102 6789 (TP HCM) hoặc 1800 6858 (Hà Nội) để đăng ký lịch hẹn khám bệnh riêng với chuyên gia, thông qua nhân viên chăm sóc khách hàng.
- Đăng ký hẹn khám bệnh với bác sĩ tại đây.
- Gửi tin nhắn trên Fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hoặc Fanpage Tiết niệu - Nam học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
- Nhắn tin qua Zalo OA của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.