"Xu thế viện dưỡng lão là tất yếu của mỗi xã hội hiện đại. Việt Nam cũng nên có nhiều mô hình viện dưỡng lão hơn để người già có được nơi chăm sóc đầy đủ. Đặc biệt, người già neo đơn rất cần được quan tâm bảo vệ và có các quy định về luật trong đó có đảm bảo chi trả chi phí viện dưỡng lão khi không có người thân, con cái để cậy nhờ.
Con cái phụng dưỡng cha mẹ già, ai mà chẳng mong họ mạnh khỏe, sống lâu. Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế. Ngay cả sức khỏe của chính bản thân mình chúng ta cũng không đảm bảo được. Khi bố mẹ già đồng nghĩa con cái cũng nhiều tuổi hơn. Có khi cha mẹ 80-90 tuổi, thì con cái có người cũng tầm 60-70 tuổi rồi. Điều đó có nghĩa là bản thân con cái cũng có tuổi, sức khỏe cũng có thể có vấn đề, cần chi tiêu nhiều hơn cho nhu cầu sức khỏe.
Và không phải ai cũng có điều kiện về thời gian. Nếu con cái còn đi làm mà không may cha mẹ bị bệnh dài ngày, nằm liệt giường, thì để chăm sóc các cụ cho thật chu đáo là cả một vấn đề lớn.
Tôi từng chứng kiến rất nhiều gia đình ban đầu con cái rất thương cha mẹ, nhưng lâu dần khi chăm sóc dài ngày cũng mệt mỏi, rồi bản thân chúng cũng nhiều áp lực cơm áo gạo tiền, phải đi làm, không được nghỉ lâu, trong khi kinh tế chưa đủ để thuê người hỗ trợ chăm người già. Cuối cùng, tình cảm gia đình bị phai dần do các áp lực đó chứ không phải con không thương cha mẹ.
Thế nên, có viện dưỡng lão đối với xã hội hiện đại như bây giờ là rất cần thiết. Tùy điều kiện mỗi gia đình mà mỗi người có thể chọn lựa phương án phù hợp. Đặc biệt viện dưỡng lão còn là cứu cánh cho những người già neo đơn nương tựa".
Đó là quan điểm của độc giả Nguyễn Thu Thủy về sự cần thiết của viện dưỡng lão trong xã hội hiện đại. Với tốc độ già hóa dân số nhanh, Việt Nam đang là một trong các quốc gia có số lượng người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao. Tổng cục Thống kê dự báo, tới năm 2038, số lượng người cao tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 21 triệu người, chiếm 20% dân số cả nước. Điều đó sẽ tạo ra những áp lực cho quốc gia trong việc thiết lập các chính sách an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.
>> Chữ 'hiếu' ngăn tôi đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão
Tuy nhiên, dù già hóa dân số là mối lo ngại hiện hữu, quyết định đưa ông bà hay cha mẹ lớn tuổi vào một viện dưỡng lão vẫn không phải là điều dễ dàng với phần đông người Việt. Theo văn hóa phương Đông, người Việt vốn nặng chữ hiếu nên vẫn còn rất ít người ủng hộ phương thức nuôi dưỡng người già theo xu hướng của một xã hội hiện đại. Chưa kể, không phải người già nào cũng muốn viện dưỡng lão, nên vẫn chấp nhận nhịn nhục để cậy nhờ con cái.
Vậy người già nên đối diện với thực tế này thế nào? Độc giả Bùi Thu Hiền chia sẻ: "Tôi đã và đang già. Cùng già với tôi còn có các anh chị em và bạn bè. Quan sát họ, tôi thấy có mấy vấn đề mà người già đang gặp phải:
Thứ nhất, ít người già dám nhìn thẳng vào sự thật rằng đây là quãng đời khó khăn nhất của mình, nhưng không phải chỉ mỗi mình khó mà đấy là quy luật của cuộc sống, ai rồi cũng phải chấp nhận và đối mặt. Bạn không thể né tránh, cũng không nên sợ sệt, như vậy mới có thể tỉnh táo để suy nghĩ thấu đáo về cách xử lý cho quãng đời còn lại.
Thứ hai, cách tốt nhất là người già nên đối thoại thẳng thắn, chân thành với con cái về cách thu xếp cuộc sống tuổi già mà mình mong muốn, trong sự hài hòa với tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của con cái. Rất nhiều người nói nhẹ bỗng rằng 'mai mốt tôi vào viện dưỡng lão sống. Nhưng vấn đề là viện dưỡng lão nào? Lúc nào vào đó? Vấn đề chi phí ra sao? Cảm xúc của con mình sẽ thế nào?
Với những đứa con được giáo dục tốt, chắc chắn chúng sẽ rất bận lòng về cuộc sống tuổi già của cha mẹ. Thế nên bản thân bậc làm cha mẹ cũng phải hiểu điều đó, và có trách nhiệm hơn với bản thân và con cái, nhất là khi chúng ở xa. Vào viện dưỡng lão vẫn là cả một vấn đề lớn cần thu xếp tốt cả về tiền bạc, lẫn tinh thần, chứ không phải có thể nói một câu dễ dàng như vậy là xong.
Cuối cùng, về già chắc chắn ai cũng sẽ phát sinh tính khí khó chịu (do não chúng ta không còn như xưa, chứ bản chất ta vẫn tốt, thương con, thương cháu). Nhưng chừng nào còn suy nghĩ được thì mỗi người cần cố tránh tính xấu nhiều nhất có thể, mà tôi thấy đáng ghét nhất là tính hay nói móc mỉa xa gần. Hãy cố gắng nói chuyển thẳng thắn với con, nếu được thì hãy nói một cách trào phúng để con cái dễ nghe, dễ hiểu mình hơn.
Làm được những điều trên, tôi tin mỗi chúng ta đều có thể sống một tuổi già an yên, hạnh phúc, dù có lựa chọn vào viện dưỡng lão hay không?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.