Hiện nay thực trạng nhân viên y tế bỏ bệnh viện công đang diễn ra rất nhanh. Các bác sĩ thì chuyển qua phòng khám tư, bệnh viện tư. Vì thời gian học tập và công sức, tiền của, tuổi trẻ bỏ ra quá nhiều, phần vì yêu chuyên môn nên các bác sĩ bỏ nghề chiếm tỉ lệ ít nên họ chọn làm việc ở bệnh viện tư.
Riêng về công việc điều dưỡng vừa cực, thu nhập lại thấp không đủ trang trải cuộc sống nên tỷ lệ bỏ nghề khá cao. Tôi xin nói thêm về việc kiếm thêm thu nhập ngoài lương của bác sĩ.
Nhiều ý kiến vẫn cho rằng văn hóa phong bì nên bác sĩ giàu. Đó là điều ở đâu tôi không rõ, nhưng các bệnh viện phía Nam, miền Tây và TP HCM thì không thấy chuyện đòi hỏi phong bì đó. Bây giờ thông tin liên lạc rất dễ, có phong bì là sẽ bị gọi lãnh đạo và ảnh hưởng danh dự bác sĩ nên rất ít người đòi hỏi. Trừ khi người nhà chủ động tự đưa.
Nhiều người thấy bác sĩ đi xe hơi, có nhà lầu thì kết luận các bác sĩ giàu. Hãy xem tỉ lệ đó là bao nhiêu, và tuổi đời của họ. Tôi thấy nếu một người ngành nghề khác có trình độ, tuổi nghề cỡ 20 năm thì có khi giàu hơn bác sĩ rất nhiều. Thực ra chỉ có các trưởng khoa và lãnh đạo giàu còn các nhân viên lo làm công tác chuyên môn thì rất nghèo.
Ở bệnh viện tôi làm việc, muốn mở phòng mạch không phải dễ vì các bác sĩ bị trưởng khoa và lãnh đạo o ép rất nhiều. Nhiều bạn sẽ nói ngoài giờ hành chính là việc của mình không ai ép buộc, nhưng các bạn tìm hiểu mới biết họ có nhiều cách để bạn mở phòng mạch mà phải tự đóng cửa.
Nhiều đàn anh của tôi ở nhiều ngành cũng đã nói chốt lại một câu: "Lãnh đạo bệnh viện công lo giữ cái ghế, lãnh đạo bệnh viện tư lo phát triển bệnh viện. Mà ở khối tư nhân thì phát triển bệnh viện đồng nghĩa là giữ được cái ghế".
Thay vì tìm cách giải quyết gốc rễ vấn đề nhân viên bỏ việc thì lãnh đạo bệnh viện công lại càng ép buộc nhân viên làm việc cống hiếm hơn và động viên bằng miệng mỗi tháng.
Gần đây bệnh viện nơi tôi làm việc lại bắt bác sĩ ký cam kết đi học về phải nộp bằng gốc, phục vụ bệnh viện gấp sáu lần thời gian học. Nếu vi phạm đền gấp năm lần. Đó thực sự là cách giải quyết lý cùn của các vị đó.
>> Nhân viên y tế - 'nghề nghe chửi'
Nhiều đồng nghiệp của tôi đã nghỉ sang bệnh viện tư, họ cũng rất tiếc vì không thể đem hết kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp để giúp đỡ bệnh nhân. Bệnh viện tư có mục tiêu của họ, chỉ điều trị bệnh nhẹ, tiên lượng tốt, bệnh nhân có nhiều tiền. Vì bệnh viện tư có phương châm hoạt động riêng: bệnh nhân là khách hàng.
Khi ra bệnh viện tư họ phải cạnh tranh với các bác sĩ chuyên tu, bác sĩ từ các trường không chuyên về y khoa, không phải cạnh tranh về chuyên môn mà phải cạnh tranh về sự khua môi múa mép, chạy chỉ tiêu. Thực sự ra bệnh viện tư nhân các bác sĩ cũng rất buồn, nhưng gánh nặng gia đình khiến họ phải ngậm ngùi.
Hoang Khanh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.