Bác sĩ Nguyễn Đức Chính, Phó phòng kế hoạch tổng hợp BV Việt Đức cho biết, từ lâu bệnh viện đã thực hiện quy định “nói không với phong bì”. Năm ngoái, cơ sở này đã đuổi việc một bác sĩ sau khi phát hiện người này nhiều lần vòi tiền của bệnh nhân và bị người nhà họ gửi thư tố cáo. Trước đó, cũng có nhiều nhân viên y tế bị kỷ luật vì thái độ này.
Bệnh viện K từ lâu trước cửa các khoa, phòng đều có dán những khuyến cáo như: “Nghiêm cấm cán bộ y tế nhận tiền, quà biếu của người bệnh. Bệnh nhân và người nhà không được cho tiền nhân viên y tế nếu vi phạm bệnh viện sẽ không phục vụ”. Hoặc: “Nếu bệnh nhân đưa thêm tiền cho nhân viên y tế ngoài hóa đơn của bệnh viện, bệnh nhân phải tự chịu trách nhiệm. Bệnh viện nghiêm cấm cán bộ nhân viên thu tiền của bệnh nhân ngoài quy định”.
Tuy nhiên, dường như với những người đang mang trọng bệnh, đầy lo lắng và đau đớn, thì không mấy người để ý đọc 2 tờ thông báo của bệnh viện được in trên khổ giấy A4 khiêm tốn dán trên tường.
Tại TP HCM, nạn phong bì trong bệnh viện khoảng 10 năm qua gần như không còn nữa ngoại trừ việc "cám ơn kín đáo". Đại diện Ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, từ 5 năm trước bệnh viện này đã yêu cầu tất cả nhân viên phải ký cam kết không được nhận tiền từ người bệnh. Thế nhưng thi thoảng vẫn có trường hợp vi phạm. “Họ không dám nhận công khai, nhưng không từ chối khi được người nhà dúi tiền vào túi hoặc nhận phong bì rất thường xuyên”, một bác sĩ nói.
Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, những nhân viên vi phạm nếu phát hiện sẽ bị phạt nặng từ trừ thi đua cho đến đuổi việc. “Chúng tôi phát hiện tình trạng này qua đường dây nóng và thư góp ý của người nhà sản phụ hoặc thường xuyên theo dõi, kiểm tra”, bà Thủy nói.
Tại các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Ung bướu, nạn nhận phong bì cũng được rà soát gắt gao, khiến hầu hết nhân viên y tế từ chối nhận tiền từ người nuôi bệnh. Song tình trạng đưa và nhận không phải là không xảy ra.
"Biện pháp hiệu quả nhất là mỗi sáng chúng tôi luôn có buổi họp với người nuôi bệnh để căn dặn nội quy bệnh viện trong đó có cả nạn đưa phong bì, yêu cầu họ không đưa tiền cho nhân viên dưới mọi hình thức và tố với lãnh đạo khoa khi bị vòi tiền", một lãnh đạo bệnh viện lớn (giấu tên) nói.
Lãnh đạo một bệnh viện ở quận Bình Thạnh cho biết, để xóa sổ nạn nhận tiền của người nuôi bệnh, các khoa thường xuyên tổ chức kiểm tra chéo. Nhân viên y tế khi phát hiện đồng nghiệp không từ chối phong bì thì phải báo với lãnh đạo. Bệnh nhân nếu thấy nhân viên y tế có biểu hiện khiếm nhã trong giao tiếp, thay vì đưa tiền thì có thể phản ánh vào thùng góp ý và thư sẽ được tiếp nhận ngay trong ngày.
'Phong bì hối lộ thì không, cám ơn thì nhận'
Bác sĩ Bùi Quốc Công, Phó trưởng khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện E Hà Nội cho rằng, “văn hóa phong bì” đã trở thành nét riêng ở Việt Nam hiện diện trong muôn mặt của cuộc sống, từ đám cưới, đám ma, tới hội họp, ký kết...
Theo ông, “văn hóa phong bì” bệnh viện có hai mặt: sẽ là mất đạo đức khi vòi vĩnh bệnh nhân, nhưng thành niềm vinh dự nếu vì y bác sĩ làm tốt, làm đúng mà người bệnh muốn tự nguyện tặng cảm ơn. “Sự ghi nhận của người bệnh có thể chỉ là một lời khen, nhưng nếu thêm vật chất rõ ràng càng đáng trân trọng, tất nhiên cũng phải tùy điều kiện của họ”, bác sĩ Công nói.
Bác sĩ Công kể, nhiều người sau khi bệnh nhân được mổ thành công, dù bác sĩ gây mê không hề trực tiếp gặp trước đó nhưng tới mấy ngày sau họ vẫn tìm bằng được để nói lời cảm ơn, trân trọng.
Bác sĩ Nguyễn Đức Chính cũng bày tỏ quan điểm, nếu phong bì mang tính cám ơn thì có thể chấp nhận được. “Tôi từng gặp nhiều trường hợp như thế. Đôi khi người bệnh còn nài nỉ, nhất quyết không chịu nhận lại khi mình từ chối. Khi ấy giải pháp đơn giản nhất là công khai khoản này để cả người bệnh và tập thể khoa phòng biết, sử dụng số tiền vào việc chung như mua sắm thêm trang thiết bị cho khoa, phòng hay làm điều gì đó mang ý nghĩa tốt, như giúp đỡ bệnh nhân khác".
Nhiều bệnh viện tại TP HCM nhiều năm nay đã áp dụng quy định cấm y bác sĩ, nhân viên nhận phong bì từ bệnh nhân. Ảnh: Thiên Chương |
Một y tá làm việc tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thừa nhận, thu nhập chính của cô mỗi tháng đến từ phong bì của bệnh nhân. “Tổng lương cộng phụ cấp từ bệnh viện, tiền trực đêm... của tôi là gần 4 triệu. Số tiền này không thấm vào đâu so với công sức chúng tôi bỏ ra và áp lực phải chịu khi làm việc".
Cô cho rằng sự thực là việc nhận phong bì trong bệnh viện đã trở thành thông lệ. Có điều những bộ phận nào tiếp xúc với bệnh nhân nhiều như khám, đỡ đẻ, mổ... thì có cơ hội để nhận nhiều hơn thôi.
Y tá này cho biết thêm, thực tế không phải ai cũng đưa phong bì cho nhân viên y tế. Cũng như cô, nhiều người vẫn đối xử, phục vụ bệnh nhân có hay không phong bì đều như nhau, chứ không hề cố tình làm đau hơn, khám chậm hơn hay tỏ thái độ vòi vĩnh. Tất nhiên, trong từng khoa, phòng cũng có một số người - vì bản chất, hay vì cần tiền cấp bách hơn - mà có hành động vòi tiền. “Dẫu sao khi làm mà nhận được chút tiền bồi dưỡng mình cũng phấn khởi hơn”, cô thừa nhận.
"Chúng tôi chỉ mua quà biếu để cám ơn nếu thấy điều dưỡng hoặc bác sĩ tận tình. Đó là tấm lòng. Còn đưa theo kiểu lót tay thì không nên, bởi làm như thế thì bất công cho những người không có tiền để dúi", chị Huyền và một nhóm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) có chung ý kiến. Còn theo anh Thanh đang chăm sóc người thân bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, với những nhân viên có thái độ không đúng mực, thay vì cho tiền, anh sẽ góp ý trực tiếp hoặc góp ý với lãnh đạo khoa. |
Một điều dưỡng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP HCM, nói chính suy nghĩ "có dúi tiền mới được đối xử tốt" khiến nhiều bệnh nhân không có điều kiện đưa phong bì cho điều dưỡng, khi chuyển bệnh từ phòng này sang phòng khác trót bị va vào vách cũng cho rằng “nhân viên y tế ác ý, không có tiền nên đẩy ẩu tả”.
“Nghề nào cũng có người này người nọ, nhưng nếu suy nghĩ bệnh nhân không có tiền thì không được phục vụ tốt là không đúng”, cô nói.
'Nói không với phong bì: chuyện lâu dài'
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Chính, việc thực hiện không phong bì trong bệnh viện là có thể làm được, chỉ có điều không phải ngày một ngày hai. Vấn đề này cần giải quyết ở tầm vĩ mô, làm sao phải đảm bảo được đời sống cho nhân viên y tế, để việc nhận phong bì hay không nhận không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ngoài ra cũng cần tăng cường giáo dục người làm nghề mang tính nhân đạo này phải sống bằng cái tâm.
Còn bác sĩ Bùi Quốc Công nhận xét, lương của bác sĩ tuy không cao nhưng đó là mặt bằng chung trong xã hội, cũng như giáo viên, viên chức ở nhiều ngành khác, nên khó có thể coi đây là lý do chính đáng sinh ra “nạn” phong bì. Ông cho rằng việc thực hiện không phong bì trong bệnh viện là không khả thi, thậm chí cấm đưa tiền cho bác sĩ, nhân viên y tế còn làm “bệnh” này nặng hơn.
"Tôi từng biết không ít bác sĩ ngoại khoa, sáng hôm sau có vài ca mổ thì tối hôm trước thể nào cũng có người xếp hàng đến nhà riêng đưa phong bì nhờ cậy. Những vị này có biệt thự nọ, cơ ngơi kia. Việc này liệu có cấm được không? Thực ra, việc gì càng công khai, minh bạch thì càng dễ quản, chứ cấm thì có thể tạo cơ hội để người ta tìm nhiều cách đưa và với mức không ai biết được”, ông Công nói.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, giải quyết chuyện phong bì trong ngành y thực sự là một bài toán khó, phải làm từng bước. Không thể hy vọng ngày hôm nay phát động phong trào là ngày mai đã hết nạn phong bì. Tuy nhiên nếu thực hiện tốt ở một số bệnh viện thì sẽ lan tỏa ra toàn ngành và sâu rộng trong nhân dân. Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện của 5 bệnh viện đã cam kết.
Còn theo một giám đốc bệnh viện tại TP HCM, các bệnh viện đều làm căng nạn phong bì nên khó có chuyện nhân viên y tế dám vòi tiền. Chính vì thế việc đưa tiền đều do người bệnh chủ động. Như vậy, để dẹp nạn phong bì, trước tiên người bệnh và người nuôi bệnh phải kiên quyết không tiếp tay cho người xấu.
Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cũng cho rằng, lót tay vài chục nghìn cho nhân viên y tế là một tâm lý khó thay đổi của người nuôi bệnh vì hầu hết đều nghĩ rằng, có tiền thì sẽ được đối xử tốt hơn. “Điều này có thể đúng trong số ít trường hợp vi phạm đã bị xử lý, nhưng không phải nhân viên nào cũng làm việc vì phong bì và có phong bì thì thay đổi thái độ”, bà Thủy nói.
Rất nhiều bác sĩ cũng thừa nhận: “Việc đưa phong bì có thể làm thay đổi thái độ, lời ăn tiếng nói nhưng không làm tốt hơn chất lượng điều trị”.
Nhóm phóng viên