Ông bạn hơn bốn mươi tuổi của tôi nhắn tin than thở. Tuy điện thoại có định vị dẫn đường nhưng giao trúng đơn hàng vào khu phố nhà có nhiều "xẹt", nên ông bạn tôi hoay hoay cả buổi vẫn không tìm ra số nhà. Bối rối quá nên đành hỏi mồm suốt mấy lượt mới hoàn thành đơn hàng cần giao.
Ông bạn tôi là một ví dụ điển hình cho dân văn phòng tuổi bước qua hàng số bốn chẳng may thất nghiệp nên cứ loay hoay và đánh vật với cuộc sống, việc làm. Anh thất nghiệp hơn năm nay nên đành bất đắc dĩ làm tài xế xe ôm công nghệ nhưng rong ruổi ngoài đường suốt, chút sức lực thời trai tráng còn sót lại tưởng chừng đã bị vắt hết.
>> 'Ác mộng' thất nghiệp khi 35 tuổi chưa lên làm sếp
Tôi thắc mắc: Bao nhiêu năm ở Sài Gòn, chẳng lẽ anh không rành đường, rành số nhà? Bạn tôi đáp: Đời văn phòng sống 365 ngày như một, sáng đến cơ quan, chiều về nhà. Ngày nào cũng đi một cung đường không đổi, chỉ cần lệch sang phường khác, quận khác là lơ ngơ lớ ngớ ngay.
Bao nhiêu năm ngồi máy lạnh, làm việc nhẹ, bây giờ ra ngoài đường thì như "cá mắc trên cạn". Chưa kể, ngồi xe nhiều lại bị đau lưng - một căn bệnh kinh niên mà dân văn phòng lâu năm nào cũng mắc phải.
Trong cơn chao đảo trước làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, đã có 90.291 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Thông tin này không mấy vui vẻ khi có rất nhiều người kể cả già lẫn trẻ, khối kinh doanh sản xuất cũng như khối văn phòng bị mất việc.
Theo thông tin từ báo cáo "Đánh giá về tình trạng thiếu hụt kỹ năng nghề nghiệp và thực hành tốt của doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho thanh thiếu niên yếu thế và dễ bị tổn thương" do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) thực hiện, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ 15-24 tuổi lên tới gần 7%, so với 1,5% ở nhóm 25-49 và gần 1% ở nhóm 50+.
Thoạt nhìn, có vẻ nhóm tuổi chịu tác động thất nghiệp nhiều nhất là giới trẻ. Giới trung niên do có thâm niên, kinh nghiệm cao nên ít bị mất việc hơn. Tuy nhiên, theo tôi khi bước vào tuổi trung niên mà bỗng dưng mất việc thì thê thảm hơn rất nhiều lần.
>> Nỗi sợ mất việc tuổi 40 vì 'lỗi thời'
Bởi thanh niên, người trẻ tuy thất nghiệp nhưng chỉ là tạm thời. Lợi thế của họ là thời gian và sức khoẻ còn nhiều. Hơn nữa lại có hậu phương vững chắc là gia đình "bao cấp" nếu thất nghiệp, nên có lẽ sẽ chẳng gặp rào cản gì nhiều.
Trong khi tuổi trung niên còn gia đình để gánh vác, con cái để nuôi ăn học. Dĩ nhiên, đối tượng tổn thương nhiều nhất là trung niên làm văn phòng ù lỳ, vốn chấp nhận "việc nhẹ lương cao", không đột phá sự nghiệp.
Bình thường công ty xí nghiệp ăn nên làm ra thì sẽ yên ổn. Nhưng khi kinh doanh gặp khó khăn thì bị nhân sự đẩy ra đường đầu tiên không ai khác, chính là những người như thế này.
Làm văn phòng bình thường lương không cao, nhưng họ lại chấp nhận để an nhàn trong một thời gian dài, khi tinh thần lẫn cơ thể đã quen thuộc rồi bỗng có biến thì đầu tiên là sốc. Không có cơ hội tìm việc mới với vị trí tương đương thì thật sự là một thảm hoạ vì rơi vào cảnh dở dở ương ương, khi chuyên môn cao thì không có, mà đi làm lao động phổ thông thì không có sức.
Nói như anh bạn tôi than là chạy xe ôm công nghệ cũng không xong. Dĩ nhiên, đó là khi đã vứt bỏ đi cái tôi và sĩ diện để lao vào cuộc mưu sinh mới.
Tịnh Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.