Ngó nghiêng Facebook những người cũng tầm tuổi mình (thế hệ 8X), tôi thấy tần suất đăng những thông báo tang gia của bố mẹ nhiều hơn hẳn vài năm trước. Tuổi này (U40), có lẽ những người như tôi bắt đầu nhìn thấy cái chết của người thân ngày một gần hơn. Rồi chúng tôi thấy bạn bè của mình đầu bạc (con nhổ mãi không hết), đang đi dạo bỗng dưng khuỵu xuống vì đột quỵ, cột sống thoái hóa nhức mỏi cả đêm, không ngủ được... Có lẽ đã đến giai đoạn chúng tôi ngấm hơn trải nghiệm về lão, bệnh, và tử. Chứ "lúc đầu xanh, đâu đủ chín mà dừ".
Người ta thường nói về năm cái phúc của một đời người: sống thọ, phú quý, khỏe mạnh, phẩm hạnh, và cái chết an lành, tự tại. Nhẩm đếm xung quanh mình, tôi thấy số người có được ba cái phúc trước khi ra đi đã là may mắn. Ai được bốn cái phúc thì hiếm hơn. Còn người được cả năm thì tôi chưa tận mắt thấy. Vậy trong năm cái phúc đấy, bạn nghĩ cái nào quan trọng nhất?
Hồi ông cố ngoại tôi mất, bà ngoại buồn, ngày nào cũng ra mộ khóc một mình. Mới đây, mẹ của bạn mẹ tôi mới qua đời, nhưng cô không buồn, không khóc, vì đã chuẩn bị sẵn tâm lý từ trước (bà vốn đau bệnh lâu ngày, ra đi chỉ là sớm hay muộn). Sau đám tang, tôi thấy cô qua nhà chơi, tỉ tê tám chuyện với mẹ tôi cả ngày. Tôi không thấy điều đó bất thường, vì xét cho cùng, suy nghĩ, khóc lóc, đau buồn cũng không làm người thân của mình sống lại được, một đời người rôi ai mà chẳng kết thúc bằng cái chết. Cái quan trọng là sau đó người ở lại sẽ sống tiếp thế nào?
Kết thúc nào thì cũng sẽ lại có bắt đầu. Thế nên, điều đáng bận tâm là tôi đã chuẩn bị gì cho những cái bắt đầu ấy chưa? Xác suất để có những cái bắt đầu tốt, rồi tới những cái kết thúc tốt là bao nhiêu? Đã mất công nghĩ ngợi, mưu toan, tiêu tốn nơ-ron não, thì nghĩ dài hạn một thể luôn.
Bố mẹ tôi vốn hay nghĩ cho con cái nên họ chuyển tới sống ở nơi có không gian trong lành, sinh họat điều độ và giữ gìn sức khỏe, nên đến giờ vẫn hiếm khi phải dùng thuốc. Bố mẹ đã tính đến độ khi bệnh nằm đó sẽ sử dụng dịch vụ chăm sóc như thế nào để không phải nhờ đến con cháu, rồi đám tang sẽ tổ chức thế nào, thân xác sẽ xử lý ra sao...? Nói chung, họ không muốn chúng tôi phải lo lắng, bận tâm bất cứ điều gì về cha mẹ.
>> Nghỉ việc để sống chậm trước tuổi 30
Dù bố mẹ chưa ra đi, nhưng nhiều khi tôi đã khóc. Tôi không khóc vì mất bố mẹ, không buồn vì một kết thúc, mà buồn vì vẫn chưa chuẩn bị đủ cho bố mẹ cho những khởi đầu mới. Không biết sau này, khi không có con cái ở bên, bố mẹ có còn được ăn no, có quần áo ấm để mặc không, liệu có ai mắng chửi bố mẹ không...? Nghĩ tới cảnh người khác đối xử tệ hại với bố mẹ mà tôi giàn giụa nước mắt.
Nghĩ tới bố mẹ, tôi lại nghĩ tới phận mình. Kiếp này của tôi coi như cũng ổn rồi, hiện tại tôi không phải lo chạy ăn từng bữa, không phải tranh giành gì với ai nữa, nhưng rồi sau này thì sao? Làm sao để quản lí rủi ro? Làm sao để tăng xác suất thắng cho những kèo tiếp theo?
Thầy tôi đi đầu tư, gần đây, để xuống kèo (vốn trăm tỷ đồng) mua bất động sản. Thầy cho quân đi đến từng dự án một để khảo sát, hẳn phải dùng mọi ngóc ngách trong các mối quan hệ để truy các manh mối và thấu hiểu dự án. Muốn kèo có xác suất thắng cao, tất phải đủ hiểu biết để xuống tiền lớn. Tôi nghĩ rằng, chuyện đời người cũng như vậy, phải hiểu được tất cả các kịch bản có thể xảy ra thì mới biết chuẩn bị đầy đủ và lựa chọn cho mình một hướng đi đúng đắn nhất. Hiểu biết đúng thì mới có xác suất cao hơn để có hành động đúng và có kết quả tốt.
Quay lại câu hỏi của tôi phía trên, trong năm cái phúc của đời người (sống thọ, phú quý, khỏe mạnh, phẩm hạnh, và cái chết an lành), bạn nghĩ thứ nào là quan trọng nhất? Với tôi, có lẽ là cái phúc cuối. Một người có thể bình tâm đối diện với cái chết của mình thì hẳn đã sống một đời tự tại. Có lẽ họ cũng sẵn sàng cho những chặng hành trình tiếp theo.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.