Hôm trước, tôi đi đám hiếu của một gia đình ở vùng quê thuộc một tỉnh phát triển. Đây là vùng đất nổi tiếng hiếu học của cả nước. Báo chí có nhiều bài viết về những học sinh đỗ đạt cao, những người thành đạt xuất phát từ vùng quê này. Chính vì dân trí cao như vậy nên đời sống ở đây có rất nhiều sự văn minh hơn so với các nơi khác.
Biết về vùng quê này như vậy nên tôi và nhiều người trong đoàn không quá bất ngờ khi nghe được thông tin: ở vùng quê này có quy định: bắt buộc hỏa táng đối với mọi trường hợp người tử vong. Ngoài ra đám hiếu ở đây không có chuyện được làm rình rang, kéo dài tốn kém.
Từ việc này tôi chợt liên tưởng đến một chuyện quan trọng trong đời sống: tổ chức tang lễ. Việc tổ chức tang lễ ở vùng quê này là rất văn minh, hiện đại. Điều này nên được nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước. Hơn nữa đối với việc tổ chức rang lễ ở mỗi địa phương thì ngoài việc: cần quy hoạch để mỗi địa phương đều có Nhà tang lễ cộng đồng, tang lễ cần tổ chức đơn giản gọn nhẹ, không tốn kém..., ngoài ra thì cần phải sớm có lộ trình để đưa ra quy định: việc hỏa táng là bắt buộc đối với mọi trường hợp tử vong.
Quê tôi là một vùng quê khá phát triển, khi có người tử vong thì có quy định bất thành văn là hỏa táng, tuy nhiên tỷ lệ vẫn chưa được 100%. Tỷ lệ hỏa táng hiện nay chắc chỉ khoảng 90%, vẫn còn khoảng 10% người tử vong được chôn cất, sau đó sẽ lại bốc mộ rình rang, tốn kém, đặc biệt là rất "âm lịch". Có trường hợp khi bốc mộ lên nhưng xác người chết vẫn chưa bị phân hủy hết, bây giờ chôn xuống cũng không được, đi hỏa thiêu cũng không xong.
Bởi vậy nếu có quy định nhằm bắt buộc hỏa táng 100% đối với người tử vong thì sẽ không còn xảy ra trường hợp không mong muốn này nữa. Quy định này nếu đưa ra ngay thời điểm này thì nhiều địa phương sẽ đón nhận một cách bình thường. Tuy nhiên nhiều địa phương khác sẽ khó thực thi. Đối với những địa phương này thì cần có lộ trình cụ thể để thay đổi.
Thế giới đã có 8 tỷ người, nước ta cũng ở trong tình trạng đất chật người đông, nếu cứ chôn như thế này thì chỉ vài chục năm nữa thôi, nhiều địa phương có thể sẽ không có chỗ để cho người sống. Bởi vậy, cần có lộ trình quy định: tro cốt sau khi được hỏa táng có thể cho vào chùa, nhà thờ hoặc cho vào các nhà quản thay vì chôn cất tốn kém đất đai như hiện nay. Ngoài ra cần khuyến khích tro cốt sau khi được hỏa táng nên được thả xuống sông, biển hoặc trồng cây trên đó; khuyến khích hiến xác cho Y học.
Việc thực hiện tang lễ văn minh cũng là một trong những chỉ dấu của một xã hội văn minh, việc tổ chức tang lễ như thế nào là một trong những mặt biểu hiện sự văn minh hay âm lịch của vùng quê đó. Nếu những quy định này được thực thi tôi tin tang lễ sẽ được tổ chức một cách văn minh hơn, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tiến bộ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.