Sau những thất bại của đội tuyển Việt nam ở Asian Cup và vòng loại thứ hai World Cup vừa qua, chủ đề mà nhiều người bàn tán nhất lúc này là nên chọn HLV nào để thay thế ông Troussier? Nhưng theo tôi đó chỉ là vấn đề ở phần ngọn. Còn gốc rễ mà những người làm bóng đá nước nhà cần phải giải quyết đầu tiên chính là chất lượng nhân sự của đội tuyển.
Cụ thể, chất lượng của các tuyển thủ hiện nay thế nào? Hãy bắt đầu từ thế hệ của các cựu binh. Những nhân tố làm nên thành công của đội tuyển Việt Nam trong 5 năm từ 2018-2023 đều gần như có một tình trạng chung: mất động lực thi đấu, mất phong độ và chấn thương. Tại sao tôi lại nói là họ mất động lực thi đấu? Vì đa số đều đã giành được những danh hiệu trong tầm tay như V-League, AFF Cup, SEA Games. Còn những mục tiêu vĩ mô hơn như tấm vé dự World Cup, Asian cup, ASIAD hay thi đấu ở một nền bóng đá phát triển... đều là những mục tiêu vượt quá tầm tay của họ.
Và suốt hai năm qua, câu chuyện chấn thương của các cầu thủ chủ chốt gần như là chuyện "thường ngày ở huyện". Chấn thương sẽ kéo theo việc đánh mất phong độ. Chúng ta có thể nhìn vào một ví dụ điển hình là Tiến Linh, người được xem là tiền đạo nội tốt nhất hiện nay của bóng đá Việt Nam. Hãy nhìn cách chân sút này đỡ bước bước, dứt điểm trong trận đấu với Indonesia vừa qua, thử hỏi liệu có NHM nào cảm thấy yên tâm không? Thú thực, tôi thấy nhớ những Anh Đức, Công Vinh của ngày xưa hơn.
Còn các cầu thủ của thế hệ trẻ lần này thì sao? Ngoài Bùi Hoàng Việt Anh và Tuấn Hải (dù thực tế đã 26 tuổi rồi), tôi chẳng còn thấy có ai có thể đủ sức thay thế cho các cầu thủ đàn anh, dù đa số bọn họ đều đã xuống phong độ. Dĩ nhiên, cũng có vài tia hy vọng lóe lên ở Đình Bắc, Thái Sơn, nhưng sự ổn định của họ vẫn là dấu hỏi lớn.
>> 'Đội tuyển Việt Nam cần cầu thủ nhập tịch'
Theo một báo cáo, đa số các tuyển thủ khi đá ở V-League chỉ chạy trung bình có 5 km/trận. Đây thực sự là một con số vô cùng khiêm tốn khi các cầu thủ Đông và Tây Á chạy trung bình 8-9 km/trận. Con số này ở giải Ngoại hạng Anh là 10 km/trận và cá biệt có những cầu thủ như Modric dù đã ngấp nghé tuổi tứ tuần vẫn có thế chạy tới hơn 10 km/trận trong một trận đấu ở UEFA Champions League. Và đây cũng là lý do vì sao khi tập trung đội tuyển, các HLV của Việt Nam thường phải cho tập thể lực rất nhiều, trong khi đáng lẽ ra họ chỉ cần tập trung về kỹ chiến thuật.
Có thể nhiều bạn sẽ nói rằng: tại sao dưới thời ông Park, chúng ta có thể đá đến 120 phút mà không bị suy giảm thể lực? Câu trả lời là vì ông Park đã biết về điểm yếu thể lực này nên đã lựa chọn lối chơi phòng ngự phản công, vốn tiêu hao ít thể lực hơn so với lối chơi pressing, áp đặt trận đấu đòi hỏi các cầu thủ phải liên tục di chuyển hoán đổi vị trí cho nhau.
Dĩ nhiên, chúng ta cũng có thể chọn lối chơi này làm kim chỉ nam cho đội tuyển. Nhưng lối chơi này chỉ mang tính ngắn hạn. Hãy nhìn các HLV nổi tiếng nhất áp dụng lối chơi phòng thủ như Antonio Conte, Jose Mourinho, Diego Simeone... xem các đội bóng của họ thế nào?
Conte gần như không gắn bó quá ba năm với mỗi CLB mà ông dẫn dắt, Mourinho cũng tương tự và liên tục bị sa thải suốt 10 năm nay, còn Simeone đang dần chuyển hướng sang lối chơi pressing. Như vậy, có nghĩa là lối chơi phòng ngự phản công chỉ mang tính chất ngắn hạn và chỉ phù hợp nếu như chúng ta hướng tới mục tiêu "chỉ thua mỗi Thái Lan là được".
Tôi từng sống trong nỗi thất vọng suốt 10 năm liền khi phải chứng kiến một đội tuyển Việt Nam rệu rã, để rồi sau đó được sống trong 5 năm tuyệt vời của bóng đá nước nhà. Có thịnh thì ắt phải có suy, tôi có thể vượt qua được 10 năm thất vọng đó thì cũng có thể nhìn bóng đá nước nhà ngụp lặn trong một thập kỷ tiếp theo, miễn là những vấn đề cốt lõi phải được giải quyết một cách triệt để chứ không đơn thuần chỉ là "thay tướng đổi vận".
DN
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.