"Nga liều lĩnh thực hiện cuộc thử nghiệm phá hủy vệ tinh của chính mình, sử dụng tên lửa diệt vệ tinh phóng từ mặt đất (DA-ASAT) hôm 15/11. Vụ thử tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ có thể theo dõi, cùng hàng trăm nghìn mảnh vụn nhỏ hơn", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong thông cáo hôm qua.
Công ty phân tích công nghiệp vũ trụ Seradata cho biết mục tiêu là Cosmos 1408, vệ tinh tình báo tín hiệu được Liên Xô phóng lên quỹ đạo năm 1982 và đã ngừng hoạt động hàng chục năm nay.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết Washington không được thông báo trước về cuộc thử nghiệm, thêm rằng Mỹ đang theo dõi sát năng lực quân sự của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Phi hành đoàn Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) gồm 4 người Mỹ, một người Đức và hai người Nga đã sơ tán đến tàu Soyuz, thực hiện quy trình trú ẩn trong tình huống khẩn cấp có thể buộc họ rời ISS. Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos sau đó thông báo hạ mức báo động trên trạm vũ trụ.
"Số mảnh vụn tạo ra trong cuộc thử nghiệm nguy hiểm và vô trách nhiệm này sẽ đe dọa các vệ tinh và thiết bị không gian có vai trò sống còn với an ninh, kinh tế và khoa học của mọi quốc gia trong hàng chục năm tới. Nga sẵn sàng phá hỏng sự bền vững của không gian và đe dọa quá trình thám hiểm vũ trụ, dù đã tuyên bố phản đối quân sự hóa không gian", Ngoại trưởng Mỹ cho hay.
Vũ khí diệt vệ tinh thông thường gồm các hệ thống laser mặt đất hoặc không gian có khả năng vô hiệu hóa cảm biến của vệ tinh do thám. Một phương án khác là vệ tinh được phóng lên và chờ trên quỹ đạo, sẵn sàng lao vào thiết bị không gian của đối phương để gây hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.
Trong khi đó, DA-ASAT là tên lửa diệt vệ tinh phóng từ mặt đất và có khả năng hủy diệt vệ tinh đối phương trên quỹ đạo, sử dụng nguyên lý dẫn bắn và đánh chặn tương tự lá chắn tên lửa đạn đạo.
Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) hồi năm 2019 cảnh báo Nga có thể sớm hoàn thiện hệ thống tên lửa trên bệ phóng di động để diệt vệ tinh ở quỹ đạo thấp.
"Nga đang phát triển nhiều vũ khí có thể khai thác sự phụ thuộc của Mỹ vào các hệ thống trong không gian và thách thức vị thế của Washington trong lĩnh vực này. Họ đã phát triển hàng loạt hệ thống vũ khí diệt vệ tinh, bao gồm hệ thống tác chiến điện tử, vũ khí năng lượng định hướng và tên lửa chống vệ tinh", báo cáo được DIA công bố hồi tháng 2/2019 có đoạn.
Vũ Anh (Theo AFP)