"Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch lớn nhất về sức mạnh địa chiến lược trong lịch sử thế giới", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm qua, đề cập tới hoạt động mở rộng lực lượng và tăng cường số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm ước tính Trung Quốc sở hữu khoảng 350 đầu đạn hạt nhân, ít hơn nhiều so với 5.550 đầu đạn của Mỹ và 6.255 của Nga. Bắc Kinh áp dụng học thuyết "răn đe tối thiểu", nghĩa là chỉ duy trì số đầu đạn ít nhất để đảm bảo khả năng đáp trả một cuộc tấn công, cũng là cường quốc hạt nhân duy nhất áp dụng chính sách "không khai hỏa trước" với vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đảo ngược học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân, chuyển sang khái niệm "phóng khi có cảnh báo", cho phép nước này phản công ngay sau khi biết một vụ tấn công hạt nhân nhằm vào mình, thay vì chỉ đáp trả sau đòn tập kích của đối phương.
"Chúng ta cần hành động gấp rút để phát triển năng lực tác chiến trên mọi mặt trận như mặt đất, mặt biển, trên không, không gian mạng và lực lượng hạt nhân chiến lược. Chúng ta cần hành động ngay, hoặc đối mặt nguy cơ đẩy các thế hệ tương lai đến thất bại", tướng Milley nói thêm.
Ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 8 cho thấy quá trình xây dựng các công trình nghi là giếng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ở sa mạc miền tây Trung Quốc. "Điều đáng chú ý là quy mô và tốc độ xây dựng các dự án này vượt xa những gì Bắc Kinh từng làm với các giếng phóng tên lửa trước đây", chuyên gia hạt nhân Matt Korda và Hans M. Kristensen cho biết, thêm rằng Trung Quốc dường như đang xây dựng khoảng 300 giếng phóng mới.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân một phần do lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ khiến số đầu đạn ít ỏi của họ kém hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc này cũng giáng đòn mạnh vào hy vọng cấm phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, trong bối cảnh cấu trúc kiểm soát vũ khí mà Mỹ và Nga thừa hưởng từ thời Chiến tranh Lạnh đang bị xói mòn.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ tìm cách khởi động lại thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga, sau khi gia hạn hiệp ước New START. Mỹ được cho là sẽ hối thúc Nga gây sức ép lên Trung Quốc để nước này cùng tham gia một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân, khi cuộc chạy đua vũ trang ba bên được nhận định sẽ "tồi tệ hơn" thời Chiến tranh Lạnh.
Vũ Anh (Theo Financial Times)