Ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 8 được Liên minh Các nhà khoa học Mỹ (FAS) công bố hôm qua cho thấy Trung Quốc đang đạt nhiều bước tiến đáng kể trong xây dựng các công trình nghi là giếng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ở sa mạc miền tây nước này.
Một bức ảnh cho thấy quá trình xây dựng giếng phóng, bao gồm giải phóng mặt bằng, lắp đặt vòm bạt bơm hơi để che chắn hoạt động thi công bên dưới.
"Điều đáng chú ý là quy mô và tốc độ xây dựng các dự án này vượt xa những gì Bắc Kinh từng làm được với các giếng phóng tên lửa trước đây", chuyên gia hạt nhân Matt Korda và Hans M. Kristensen cho biết trong báo cáo của FAS, thêm rằng Trung Quốc dường như đang xây dựng khoảng 300 giếng phóng mới.
![Quá trình xây dựng một giếng phóng ICBM tại sa mạc phía tây Trung Quốc hồi tháng 8. Ảnh: Planet Labs.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/11/03/china-silo-2-8392-1635904028.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-lAeAbtjNZGY0O6RN6Wh0w)
Quá trình xây dựng một giếng phóng ICBM tại sa mạc phía tây Trung Quốc hồi tháng 8. Ảnh: Planet Labs.
Chính phủ Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này.
"Đây là tốc độ tăng cường lực lượng hạt nhân chưa từng thấy ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những căn cứ này vẫn cần thêm nhiều năm để hoàn thiện và chưa rõ Trung Quốc sẽ trang bị vũ khí gì, cũng như vận hành chúng thế nào", chuyên gia Kristensen nói thêm.
Thông tin về hoạt động xây dựng căn cứ tên lửa tại sa mạc phía tây Trung Quốc cũng khiến nhiều quan chức Mỹ lo ngại. "Tôi có thể mô tả tốc độ hiện đại hóa vũ khí hạt nhân và thông thường của họ là nghẹt thở. Thẳng thắn mà nói, từ này có thể còn chưa đủ", đô đốc Charles A. Richard, chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ, nói hồi tháng 8.
Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc dường như đang đảo ngược học thuyết hạt nhân dựa trên khái niệm "răn đe tối thiểu", nghĩa là chỉ duy trì số đầu đạn ít nhất đảm bảo khả năng đáp trả một cuộc tấn công, cũng như không khai hỏa vũ khí hạt nhân trước.
Các dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chuyển sang khái niệm "phóng khi có cảnh báo", cho phép nước này phản công ngay sau khi biết một vụ tấn công hạt nhân nhằm vào mình, thay vì đáp trả sau khi tên lửa đối phương rơi xuống.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm ước tính Trung Quốc sở hữu khoảng 350 đầu đạn hạt nhân, ít hơn nhiều so với 5.550 đầu đạn của Mỹ và 6.255 của Nga.
![Mái vòm bơm hơi che kín công trình xây dựng giếng phóng ở sa mạc phía tây Trung Quốc. Ảnh: Planet Labs.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/11/03/china-silo-1-8231-1635904028.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5Grca6KbP2e3WpXNPYG-wg)
Mái vòm bơm hơi che kín công trình xây dựng giếng phóng ở sa mạc phía tây Trung Quốc. Ảnh: Planet Labs.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân một phần do lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ khiến số đầu đạn ít ỏi của họ kém hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc này cũng giáng đòn mạnh vào hy vọng cấm phổ biến loại vũ khí này trên toàn cầu, trong bối cảnh cấu trúc kiểm soát vũ khí mà Mỹ và Nga thừa hưởng từ thời Chiến tranh Lạnh đang bị xói mòn.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ tìm cách khởi động lại thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga, sau khi gia hạn hiệp ước New START. Mỹ được cho sẽ hối thúc Nga gây sức ép lên Trung Quốc để nước này tham gia một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân, khi cuộc chạy đua vũ trang ba bên được nhận định sẽ "tồi tệ hơn" thời Chiến tranh Lạnh.
Vũ Anh (Theo CNN)