Thứ mà một cán bộ, công chức cần nhất trong cuộc đời khi bước vào môi trường nhà nước đó chính là sự ổn định trước những đổi thay, khó khăn của cuộc sống bên ngoài. Một cái ghế biên chế và một mức lương được cấp đều đặn mỗi đầu tháng, ba năm thay đổi một lần. Có lẽ tôi đã quen với điều đó.
Công việc hàng ngày đối với một công chức đã làm việc 16 năm như tôi có lẽ không có nhiều điều mới mẻ. Mỗi ngày vẫn là những công việc văn phòng, nghiên cứu, báo cáo, tổng hợp được lặp đi lặp lại và mỗi năm có thêm một số vấn đề mới cần đưa vào thực hiện, một số điểm mới trong thang điểm thi đua mà đơn vị cấp huyện phải thực hiện. Nhưng với tôi, công việc đó đã giảm đi phần thích thú và thú vị trong cuộc sống, bản thân tôi cũng đã thay đổi về nhận thức, có nhu cầu đánh giá lại bản thân, đánh giá năng lực, sự phù hợp với tổ chức, đồng nghiệp và nơi làm việc.
Không phải do đề cao bản thân mà đó là điều đương nhiên phù hợp, cần thiết đối với mỗi con người trong một giai đoạn nhất định. Tôi thừa nhận bản thân đã trải nghiệm giai đoạn đánh giá lại bản thân, muốn tìm kiếm những trải nghiệm, dấn thân vào cuộc sống năng động, đổi mới và cũng từ suy nghĩ đo muốn bước ra khỏi môi trường nhà nước.
>> Tôi lạc lõng trong ngày đầu bỏ tư nhân về làm nhà nước
Nhưng tôi lại chần chừ vì tiếc công việc ổn định, lương bổng đều đặn, ít sóng gió, ít khó khăn thất bại hơn môi trường tư nhân, môi trường kinh doanh đòi hỏi năng lực, bản lĩnh.
Ngày trước, cơ chế để nghỉ việc vô cùng khó khăn. Việc đưa một công chức, một biên chế ra khỏi bộ máy thật sự không đơn giản vì vướng nhiều chế tài, quy định. Tự nguyện nghỉ thôi cũng có vô vàn điều kiện, không chỉ áp lực dư luận, mà còn cần điều kiện "không hoàn thành nhiệm vụ", "sức khỏe yếu"... Thế nên, chủ trương mới về sắp xếp cán bộ, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy được nêu trong Nghị định 178 theo tôi là tư duy tiến bộ, góp phần mở đường và gợi ý cho nhiều cán bộ được tôn trọng quyết định tự nguyện thôi việc. Qua đó, giúp bộ máy mạnh lên, không bị "phình to lên" qua thời gian.
Tôi nhìn thấy trách nhiệm của mình là công chức phải luôn hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng liệu việc "hoàn thành nhiệm vụ" từ năm này qua năm khác của tôi có đủ để gánh vác đất nước trên vai. Đó là suy nghĩ, trăn trở của bản thân khi đất nước đang gánh một bộ máy quá cồng kềnh, thì khó vô cùng để bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Trở lại với tâm tư của người cán bộ, lấy bản thân mình đại diện số ít trong số 100.000 cán bộ được sắp xếp, thôi việc sắp tới và được hưởng chế độ theo Nghị định 178, tôi cũng thấy cái "đã đủ, đã chín" là công việc cần phải làm và làm cho bằng được. Nhiều cán bộ tâm tư cho rằng tinh gọn là cơ học, làm cho có chiếu lệ. Số khác nói "lấy đâu ra số tiền lớn (130.000 tỷ đồng) để thực hiện?". Nhưng tôi muốn để tương lai cho chúng ta câu trả lời. Kết quả là minh chứng tuyệt vời cho nhưng thứ "đã đủ, đã chín". Tôi thấy hài lòng và chấp nhận gạt đi nhưng lo lắng trước mắt vì cái chung mà mạnh dạn rời đi.
Bản thân tôi phần nào cảm nhận được những khó khăn phía trước, ngoài kia là cuộc chiến sống còn, là cơm áo gạo tiền, phải chăm lo cho gia đình và các con. Từng là trụ cột trong gia đình về kinh tế, nay phải tìm việc để làm ở độ tuổi ngoài 40 tuổi, làm sao tránh khỏi những lo lắng? Nhưng khi đã được củng cố về mặt vật chất trước mắt và hành động vì những điều đúng đắn, ý nghĩa, vì lợi ích chung của dân tộc, tôi chấp nhận hy sinh lợi ích nhỏ riêng tư trong cuộc sống là những ngày bình yên, thu nhập ổn định, đủ lo cho cuộc sống.
Tôi nghĩ về những tháng sắp tới, với khoản hỗ trợ tài chính từ chính sách đủ để lo vốn liếng làm ăn cho bản thân. Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc và cống hiến bằng tất cả sự chăm chỉ, nhiệt tình, cởi mở, góp chút công sức của mình cho sự phát triển của đất nước.
- U40 bỏ việc biên chế về làm trang trại
- 'Lương thấp, công chức khó làm việc tâm huyết'
- Nhiều năm hụt công chức vì chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
- 'Bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức'
- Bỏ biên chế suốt đời để hết viên chức 'ngồi không kêu lương thấp'
- 'Xã hội hóa trường chuyên để không còn giáo viên biên chế suốt đời'