"Tôi làm nhà nước được hơn sáu năm, nhưng bảy năm trước tôi đã quyết định từ bỏ, ra làm công ty nước ngoài. Giờ lương của tôi đã gấp 10 lần ngày xưa. Lúc quyết định nghỉ việc, tôi bị cả dòng họ nói ra nói vào vì họ nghĩ làm công chức, viên chức ổn định, người ta muốn vào không được mà mình lại bỏ ngang. Nhưng đến giờ, tôi vẫn chưa bao giờ hối hận vì quyết định đó. Giờ nhận lương tương xứng với những gì mình đóng góp nên tôi cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn nhiều".
Đó là chia sẻ của độc giả Hanh Nguyen về mức lương của công chức. Theo quy định, người có trình độ đại học khi được tuyển vào khu vực công sẽ là công chức A1, hệ số lương 2,34. Với lương cơ sở hiện hành 1,8 triệu đồng, mức lương nhận được mỗi tháng là 4,212 triệu đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng (4,68 triệu đồng) dành cho lao động chưa qua đào tạo khu vực ngoài nhà nước. Sau khi trừ bảo hiểm xã hội 9,5%, tiền lương thực nhận của công chức chỉ hơn 3,8 triệu đồng. Sau đó, cứ ba năm, công chức sẽ được xét tăng hệ số thêm 0,33.
Tuy nhiên, cho rằng công chức khó sống bằng lương, bạn đọc NTB nhận định: "Với vật giá leo thang thời nay, lương 4 triệu đồng một tháng không phải khó sống, mà là khó chấp nhận được. Mức lương ấy chẳng khác nào coi thường giá trị của công chức, nên đừng mong có được đội ngũ công chức giỏi và tâm huyết".
Cũng phải nghỉ việc nhà nước để ra ngoài tìm kiếm cơ hội thu nhập tốt hơn, độc giả Gamedohoa nói về thực tế phũ phàng với nghề công chức: "Hai vợ chồng tôi từng làm chung trong UBND phường. Vì đồng lương quá bèo bọt, tôi phải nghỉ việc để ra làm ngoài hơn chục năm trước. Trong khi đó, vợ tôi vẫn làm công chức cho đến nay.
Tuy nhiên, công chức ngạch chuyên viên thâm niên hơn chục năm như vợ tôi đến giờ vẫn chỉ nhận lương hơn 7 triệu đồng, dù công việc ở phường rất nhiều do ở khu đang đô thị hóa, thường xuyên phải mang giấy tờ về nhà làm. Mức lương của công chức quả thực không tương xứng với công sức, khối lượng công việc mà học phải làm. Vợ tôi đi làm cả ngày, về nhà cũng không dành thời gian cho gia đình được là bao bởi đống giấy tờ phải làm tiếp cho đến khi đi ngủ".
>> Tôi lạc lõng trong ngày đầu bỏ tư nhân về làm nhà nước
Đãi ngộ đối với người làm khu vực công còn quá thấp, cào bằng dẫn đến mất dần những người có năng lực, đó là một thách thức của nền công vụ. Làm gì để giữ chân công chức và tạo động lực để họ cống hiến? Bạn đọc Mr.Trí kết lại: "Nhiều lúc tôi nghĩ mà thấy buồn. Công chức học tập, cống hiến nhiều năm nhưng lương quá thấp. Nhiều người mà tôi biết còn bảo muốn bỏ nghề để ra ngoài kinh doanh, thậm chí đi bán bánh mì còn hơn.
Xã hội đã phân định ngành nghề, công việc, trình độ, cấp bậc... Thạc sĩ, Tiến sĩ không lẽ đi làm công, lao động chân tay; còn công nhân, lao động bậc thấp lại đi làm nghiên cứu, giáo dục hay đào tạo? Bỏ bao nhiêu thời gian, công sức học tập để rồi đi làm chỉ nhận đồng lương ít ỏi thì quá khó để công chức cống hiến hết mình được.
Thực tế, nhiều người làm công chức đang phải 'chân trong, chân ngoài', tìm đủ mọi cách để bươn chải cuộc sống. Ở đâu cũng cần sự cố gắng học tập, nâng cao trình độ, kinh nghiệm... để phát triển công việc, bản thân. Nhưng một số ngành nghề đặc trưng như giáo viên, công an, bác sĩ... cần phải có chế độ ưu đãi riêng, vì những nghề này không trực tiếp tạo ra tiền bạc, của cải để được thưởng như các ngành nghề khác.
Có người nói "không chịu được lương thấp thì công chức ra ngoài mà làm" nhưng đâu phải nói đi là được ngay. Nếu dễ dàng như vậy thì có lẽ công chức đã bỏ nghề hết rồi. Xã hội là một cấu trúc, chúng ta phân tầng lớp, ngành nghề, chức vụ, học vấn...
Người ta học ra để được đóng góp vào công sức, trình độ để phát triển đất nước, phát triển ngành nghề, phát triển trí tuệ, ươm mầm nhân loại... nền móng tương lai. Giờ bắt họ đi lao động hai ba nơi để kiếm sống thì thử hỏi còn ai muốn làm nữa? Rồi lấy ai đảm nhiệm gánh vác nhiệm vụ phát triển trí tuệ, khoa học, giáo dục? Hoặc nếu công chức bỏ việc hết để ra ngoài kinh doanh, vậy sẽ phá vỡ cấu trúc xã hội. Nếu nhà nhà buôn bán, người người kinh doanh thì bán cho ai, ai sống được?".
Thành Lê tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.